Lắng nghe tích cực là như thế nào?
Khi lắng nghe một cách tích cực, bạn luôn giữ cho não hoạt động,
gắn quá trình suy nghĩ, tư duy của mình vào bài học một cách liên tục.
Vậy làm sao để biết não chúng ta đang hoạt động trong lúc nghe
giảng? Dễ lắm, bạn có thấy buồn ngủ không? Nếu không thì đó là dấu
hiệu tốt rồi. Bạn sẽ gắn các chi tiết đang nghe được với những bài học
trước đó, hoặc liên hệ với vấn đề thực tế bên ngoài… rồi bắt đầu đánh
giá đúng-sai, phân tích nguyên nhân-hệ quả. Đấy, não bạn đang làm
việc tích cực rồi đấy. Nó xử lý thông tin và bắt đầu tổng hợp để có được
những kết luận sâu sắc.
Khi đó, bạn sẽ có nỗ lực tự giác tìm cách để hiểu bài. Bạn sẽ không
thực sự hài lòng khi còn những thắc mắc chưa rõ trong bài học. Bạn sẽ
phản hồi kịp thời cho giảng viên về những nội dung mà bạn đã kịp hiểu
hoặc chưa kịp hiểu trong quá trình nghe giảng bài. Như vậy, giảng viên
cũng sẽ biết cách điều chỉnh mức độ chi tiết trong nội dung bài giảng
của mình cho phù hợp với khả năng tiếp thu của Sinh viên.
Điều gì cản trở việc lắng nghe của bạn?
• Bị phân tâm. Bạn chưa nhận được tiền của ba mẹ gửi để đóng học
phí? Hay bạn trai/gái của bạn vừa nói lời chia tay? Hay nỗi ấm ức từ
trận đá banh tối qua khiến bạn vẫn còn khó chịu? Bạn có trăm ngàn lý
do để… không tập trung nghe giảng.
• Tập trung đánh giá cách giảng bài của giảng viên hoặc bản thân
giảng viên hơn là nội dung cần học. Ông thầy này khiến bạn không ưa
chăng? Hay cô giáo trẻ có vẻ như thiếu kinh nghiệm khiến bạn nghi ngờ
những điều cô nói?
• Lắng nghe sự vụ hơn là nắm bắt ý tưởng. Giảng viên kể một câu
chuyện hay để ví dụ minh họa cho bài giảng. Bạn chỉ chú ý xem tình tiết
câu chuyện như thế nào. Và cuối cùng là… bạn chỉ nhớ mỗi câu chuyện
mà không nhớ đến lý thuyết có liên quan. Thật lãng phí thời gian!
• Những chỗ không hiểu hoặc không nghe kịp bị bỏ qua dễ dàng. Có
thể bạn ngại giơ tay để “thú tội” rằng mình không hiểu kịp bài. Có thể
bạn nghĩ rằng thôi để đó hỏi bạn khác cũng được. Nhưng rồi quên bẵng
luôn. Người thiệt thòi ở đây chỉ là chính bạn thôi.
Hãy nhớ rằng cách bạn nghe cũng là một cách phản hồi cho người
nói biết mức độ quan tâm và tiếp thu của bạn như thế nào.
Đôi điều lưu ý khi nghe giảng
Bạn đừng bỏ qua hoặc xem nhẹ thời gian đầu tiết học. Một số giảng
59