minh ra một cách ghi chép chủ động, sáng tạo gọi đó là Bản đồ tư duy,
có sách gọi là Sơ đồ tư duy. Mục đích chính của phương pháp này là vẽ
(theo cách mà bạn thích) một bức tranh mô tả tổng quát những yếu tố
có liên quan đến một chủ đề hoặc một vấn đề mà bạn quan tâm. Sử
dụng sơ đồ tư duy sẽ là một phương pháp mang tính đột phá trong việc
ghi chú và lên kế hoạch.
Sơ đồ tư duy có bốn đặc điểm chủ yếu:
1. Đối tượng cần quan tâm sẽ được tóm lược trong một hình ảnh
trọng tâm.
2. Từ hình ảnh trọng tâm, những chủ đề phát sinh được lan tỏa
thành các nhánh.
3. Các nhánh được cấu thành từ một hình ảnh chủ đạo hay từ khóa
trên một dòng liên kết, những vấn đề phụ cũng được biểu thị bởi các
nhánh gắn kết với nhánh có thứ bậc cao hơn.
4. Các nhánh tạo thành một cấu trúc nút liên kết nhau.
Cũng nên sử dụng màu sắc, hình ảnh, ký hiệu, kích thước để làm
phong phú, nổi bật sơ đồ tư duy, tăng sức hút, hấp dẫn và tính độc đáo,
nhờ đó mà người viết phát huy tính sáng tạo, và có khả năng ghi nhớ
lâu hơn.
Tại sao chúng ta lại gọi là “tư duy”? Vì chúng ta sẽ phải đầu tư suy
nghĩ của mình và diễn đạt lại theo cách của mình, khác với cách của tác
giả cuốn sách mà bạn đọc.
Sách học ở bậc Đại học của bạn thường được viết bằng những thuật
ngữ mang nặng tính học thuật, và dường như các nhà khoa học, các giáo
sư hay những tác giả chuyên môn “cố tình” muốn làm cho bạn thấy
chúng khó hiểu và khó nhớ (!). Tuy nhiên, chúng ta có thể giải quyết
được khó khăn này một cách dễ dàng. Bạn hãy dùng ngôn ngữ riêng của
mình để vẽ những sơ đồ giúp bạn học bài nhanh hơn.
Bạn cũng có thể muốn xét đến những kết luận mà tác giả muốn nói
thông qua bài viết. Bạn có đồng ý với họ không? Tại sao tác giả quyển
sách lại đưa ra những kết luận đó? Nếu bạn không đồng ý, thì theo bạn,
tác giả còn thiếu sót ở điểm nào? Khi đặt ra những câu hỏi này, bạn đã ít
nhiều thật sự hòa nhập vào quyển sách và những suy nghĩ mà tác giả có
khi viết nên nó. Và thậm chí biết đâu, bạn lại có cách diễn đạt đơn giản
hơn, dễ hiểu hơn, hấp dẫn người đọc hơn tác giả cuốn sách thì sao? Lúc
đó, nhớ chia sẻ với các bạn của mình nhé, giống như Tony Buzan - tác
giả của cuốn sách chia sẻ về Bản đồ tư duy vậy.
77