Phép ẩn dụ. Xuyên suốt từ đầu đến cuối bài diễn thuyết, King luôn
dùng phép ẩn dụ để diễn tả. Những lời lẽ giàu tính ẩn dụ – chẳng hạn như
“xuôi tận Alabama, nơi nhiều kẻ mang óc kỳ thị khắc nghiệt, nơi ngài thống
đốc với môi miệng chảy tuôn ướt sũng những từ ngữ kiểu như ‘phản đối’ và
‘không có hiệu lực’… một ốc đảo của cái nghèo nằm trơ trọi giữa đại
dương bao la của cái giàu vật chất” – đã thổi tràn sinh khí vào bài diễn
thuyết của ông. Những hình ảnh ẩn dụ sinh động này làm tăng thêm sức
biểu cảm và độ thuyết phục cho mọi ý tưởng ông trình bày.
Phép điệp vần. Ông cũng khéo léo dùng lối lặp vần làm cho câu nói trở
nên có vần điệu, có nhạc tính, êm ái du dương, dễ đi vào lòng người –
chẳng hạn như các cụm từ “ngân hàng công lý đang chạy làng, phá sản”,
“tinh thần tranh đấu nung nấu chớm màu” và “họ chẳng còn bị xét theo nét
sậm màu da, nhưng sẽ được nhìn ra thấu ruột rà tính cách.”
Sinh lực giọng nói. King rất điêu luyện với kỹ thuật biểu cảm ngay
trong giọng nói, chính nhờ vậy mà độ thuyết phục rất cao trong từng lời.
Phép lặp. Để làm gia tăng thêm độ lan tỏa của thông điệp đến người
nghe, ông thường lặp đi lặp lại các cụm từ chủ đạo, chẳng hạn như “Đây
chính là lúc...”, “Hãy để tự do cất tiếng reo vang” và “Tôi có một ước mơ.”
Các cụm từ này giúp nhấn mạnh tối đa chủ đề bài diễn thuyết.
Nhịp điệu. Cẩn thận chọn lựa các từ ngữ, câu nói phù hợp, ông đã tạo ra
được một thứ giai điệu nhịp nhàng trầm bổng trong bài diễn thuyết của
mình. Chẳng hạn đây là một đoạn thể hiện rõ điều này:
“... phỉ lòng sao đặng khi ở Mississipi, một người da đen còn lắm phen
chẳng được đi bầu; cầu sao thỏa ước khi ở New York, một người da đen còn
chưa biết bỏ phiếu để làm gì” và “cùng nhau, ta chung tay lao động; cùng
lòng, ta dâng tiếng nguyện cầu; bên nhau, ta vùng lên tranh đấu... ”
Các khoảng dừng. Trong cả bài diễn thuyết ấy, có rất nhiều lần King
dừng lại, ngưng nói. Đó là lúc ông vừa nói xong một ý quan trọng, lúc ông
chuyển từ ý này qua ý khác và lúc đám đông đang vỗ tay hứng khởi. Những
khoảnh khắc dừng lại như thế giúp người nghe vừa tập trung kỹ hơn vào
những gì ông vừa nói hay sắp nói, vừa có thời gian để xử lý thông điệp ông
muốn trình bày.