Kết nối với người nghe. Để tạo mối dây liên hệ kết nối với người nghe,
King dùng từ chúng ta rất nhiều lần trong bài diễn thuyết. Từ này làm cho
người nghe có cảm tưởng gần gũi, rằng ông cũng là một người như họ, giữa
họ.
Tôi đã xem đi xem lại bài diễn văn của King không biết bao nhiêu lần,
mỗi lần xem là mỗi lần tôi cảm nhận sâu hơn từng kỹ thuật mà ông sử dụng.
Tôi đã từng rơi vào cảm giác choáng ngợp trước sức hút, độ thuyết phục,
năng lượng từ ông tỏa ra và bao trùm lên đám đông người nghe và rồi đã có
đôi lần tôi tự ti với năng lực của mình: “Biết bao giờ thì tôi mới đạt tới đẳng
cấp ấy?” Nhưng rồi tôi nhận ra, nếu chúng ta có thể vận dụng nhuần nhuyễn
một vài trong số tám kỹ thuật ấy thì cũng đủ để bài trình bày của chúng ta
chinh phục được người nghe rồi. Khi tôi trải nghiệm và nghiên cứu bài trình
bày của nhiều diễn giả khác, tôi thấy rằng, mỗi người đều sử dụng thế mạnh
của mình khi trình bày và dựa trên thế mạnh đó mà họ vận dụng rất linh
hoạt và sáng tạo các kỹ thuật khác để tạo nên phong cách riêng của mình.
Chúng ta hãy cùng trải nghiệm với một vài diễn giả nổi tiếng sau:
Thích Nhất Hạnh
Ông không cất cao giọng hô hào hay nói thao thao bất tuyệt, nhưng
giọng ông đều đều và tình cảm, mà điểm mạnh nhất của ông là cách dừng –
dừng đúng vào những lúc khán giả muốn nghe. Hẳn là ông muốn họ kịp đối
chiếu và lắng nghe chính bản thân họ trước khi ông nói tiếp. Bài nhạc hay
nhất không phải ở các nốt nhạc mà ở chỗ ngắt nghỉ. Tiếng chuông hay nhất
ở chỗ dừng lại để ngân. Ông dùng kỹ thuật ngắt nghỉ để nhấn mạnh ý quan
trọng, lôi kéo người nghe vào bài nói của mình và khiến người nghe phải
suy nghĩ liên tục.
Anthony Robbins
Ngay khi Robbins xuất hiện, dù chưa cất lời thì khán phòng đã nóng lên
bởi mức năng lượng rất cao toát ra từ dáng vẻ và cách đi đứng của ông. Với