28. ĐỪNG CHẾT VÌ “ĐÓNG TỦ”,
LÀM PHAO
Học mà không nghĩ thì phí công.
- Khổng Tử
Với những bạn vừa muốn nhàn nhã vừa muốn được điểm cao,
làm phao hay “đóng tủ” có vẻ là giải pháp thích hợp. Tuy nhiên, chọn
giải pháp đó, cũng có nghĩa là bạn đã chọn đẩy bản thân vào trò chơi
đầy may rủi. Một câu danh ngôn nói rằng: “Chẳng có bữa trưa nào là
miễn phí”. Kỳ thi không phải dành cho những người lười biếng. Phải
bỏ công sức ra ôn tập, lo lắng, chuẩn bị kỹ càng thì điểm số có được
mới chính xác với lực học, và xứng đáng với bản thân bạn.
Việc học tủ, làm phao xảy ra khi người ta không tin vào bản thân
mình. Vì niềm tin vào chính mình không đủ, nên mới dễ dàng tin
những lời đồn từ tác giả giấu mặt nào đó, rồi lao vào học “tủ”. Sợ
mình quên chi tiết này, chi tiết nọ, nên phải thủ sẵn chút tài liệu giấu
trong người gọi là để “phòng thân”.
“Tủ” và ‘‘phao’’ là hai thứ cấm kỵ trong mọi kỳ thi. Để công bằng,
nội dung đề thi phải bảo đảm bao quát toàn bộ chương trình, không
trừ một mục nào, và cũng không quá tập trung vào một chương nào
trong giáo trình. Hơn thế nữa, theo quy chế, mọi thông tin về đề thi
(trừ dạng đề) tuyệt đối không được phép lọt ra bên ngoài trước giờ
bóc đề. Vậy nên những cái “tủ” đó thực hư đúng sai thế nào chẳng ai
hay biết. Bạn có chắc người đầu tiên tung tin đã nhìn thấy chính xác
đề thi không? Tất nhiên là không, bạn thân mến ạ. Và nếu kẻ kia có
may mắn ngó được đề thi, thì cũng đừng vội mừng. Hội đồng coi thi
luôn có phương án dự phòng, ngay lập tức họ sẽ đưa đề dự bị ra thay
thế cho đề bị lộ, và lần này sẽ giữ bí mật đề thi chặt hơn lần đầu tiên
nhiều. Thật đáng tiếc, rất nhiều trường hợp vì học tủ mà bị “tủ đè”,
nhìn đề thi xong chỉ còn nước khóc ròng.
Khả năng mở phao thành công trong giờ thi là khá thấp. Mỗi