29. ĐOÁN TRƯỚC ĐỀ
Không có logic nào mang tính ngẫu nhiên.
- Ludwig Wittgenstein
Đôi khi trí phán đoán của con người khá hữu hiệu. Đặc biệt, trong
khoảng thời gian trống trước khi thi này, phán đoán cũng giúp bạn ổn
định tâm lý tốt hơn. Đây không hẳn là phương pháp học siêu tốc hay
có hiệu quả ngay tức thì, nhưng ít ra nó sẽ giúp bạn vững vàng hơn
trước khi đối mặt với kỳ thi đang cận kề.
Cho đến thời điểm sát nút này, chẳng ai lại không lo lắng, bồn
chồn, bất an. Sự rảnh rỗi đối lập với những ngày học miệt mài đến
tận khuya càng khiến bạn thêm khó chịu. Vậy tại sao không luyện tập
não bộ của mình một cách nhẹ nhàng với những câu phỏng đoán nhỉ?
Hãy tự biến mình thành người bận rộn một chút, chỉ một chút thôi,
và tâm trạng sẽ trở lại tươi tỉnh như thường. Hay nói cách khác, đây
là phương pháp giải tỏa căng thẳng khá hữu hiệu trong giai đoạn này.
Cách thông thường nhất là dựa vào phần kiến thức trọng tâm để
đoán nội dung đề. Đa số trường hợp, những phần căn bản, quan
trọng trong quá trình học có khả năng xuất hiện không nhỏ trong đề
thi. Vì thế, hãy tập trung xoáy sâu vào những mảng kiến thức đó. Một
công đôi việc: bạn vừa có thời gian lướt qua một lượt kiến thức căn
bản, vừa dựng lên khung câu hỏi cho bài thi. Lật ngược các khái niệm,
công thức, định luật cơ bản bằng các câu hỏi là một ý tuy đơn giản
nhưng khá hữu hiệu.
Bạn có thể tham khảo đề thi các năm trước để biết dạng đề ra, hay
khung kiến thức phân bố trong một đề thi. Ví dụ, trong đề thi môn
Triết học năm ngoái và năm kia, tỷ lệ số câu thuần lý thuyết với câu
liên hệ thực tế là bao nhiêu phần trăm? Dạng đề là mở hay đóng?…
Hãy chú ý đến cách ra đề chung, và tự lên một bảng tổng hợp sơ qua
để có cái nhìn sát hơn về đề thi. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý:
việc xem lại đề cũ không có nghĩa là bạn copy nguyên si những câu
hỏi đó, làm ra giấy, và nghĩ chắc chắn rằng bài thi của mình sẽ giống