2. XÁC ĐỊNH PHƯƠNG PHÁP
HỌC THÍCH HỢP CHO BẢN
THÂN
Khi muốn chế ngự kẻ thù, phương pháp còn quan trọng hơn sức
mạnh rất nhiều.
- Henry Wadsworth Longfellow
Rất nhiều sinh viên phàn nàn rằng dù đã thử áp dụng rất nhiều
cách học nhưng kết quả vẫn không được như mong đợi. Đầu tiên thì
xin hoan nghênh họ – những sinh viên biết cầu tiến và không ngừng
học hỏi. Nhưng đợi đã, có điều gì đó không ổn trong chuyện này. Ý tôi
là, hình như họ đã “chăm chỉ” hơi thái quá trong việc thử nghiệm
phương pháp học cho mình!
Tìm một phương pháp học trong thời buổi thông tin đa dạng như
hiện nay là chuyện khá dễ dàng, nhưng lọc ra từ đó cách học - ôn hiệu
quả và phù hợp nhất với bản thân mới là điều cốt yếu. Phương pháp
học phù hợp cũng như một đôi giầy vừa cỡ, giúp bạn bước đi tự tin và
vững chắc hơn. Tùy thuộc vào tính cách và khả năng, có người sẽ cảm
thấy dễ dàng khi học theo kiểu sơ đồ và hình vẽ, có người thích diễn
đạt kiến thức bằng lời nói, người lại có khả năng ghi nhớ bằng cách
hình dung dàn ý trong đầu... Nhiều sinh viên cần phải viết tóm tắt dàn
ý ra giấy, vẽ sơ đồ hay nghe đi nghe lại bài giảng của giáo viên; có
người lại “dị” đến mức phải đi quanh nhà hay đội sách lên đầu mới
học được... Ngoài ra, mỗi môn cũng cần có cách học riêng - bạn
không thể học Triết học hay Lịch sử Đảng theo cách mà bạn học môn
Toán cao cấp được. Hãy cứ thử vài phương pháp khác nhau và tự
đánh giá hiệu quả của chúng đối với việc tiếp thu. Cũng không nhất
thiết chỉ chăm chăm vào một hướng đi duy nhất, hãy kết hợp các
phương pháp sao cho hợp lý, miễn là đừng quá ôm đồm. Chớ nên
ham hố đến mức biến việc học của bạn thành nồi lẩu thập cẩm hay
cuộc thí nghiệm các công thức mới, bởi bất cứ phương pháp nào dù
tốt đến đâu cũng cần thời gian và sự ổn định để phát huy tác dụng.