43. ĐÚC RÚT KINH NGHIỆM
Đừng bao giờ than vãn trước một việc đã rồi, hãy nhìn thẳng
vào vấn đề và tự hỏi mình có thể làm được gì.
Không có áp lực, khó khăn thì không bao giờ có thể trưởng thành,
mở mang đầu óc được. Hãy coi mỗi kỳ thi như một dịp kiểm tra kiến
thức, trải nghiệm áp lực. Mỗi trải nghiệm đều rất có ích cho bạn trong
các kỳ học sau, những bài thi sắp tới, hay thậm chí cả sự nghiệp sau
này. Bạn không những phải học cách chấp nhận kết quả, mà còn phải
biết cầu tiến và cố gắng không ngừng. Một sinh viên thông minh
nhưng không biết rút kinh nghiệm sớm muộn cũng tụt hậu so với
người biết cầu thị, sửa sai.
Liệt kê những sai lầm mắc phải trong bài
thi
Tìm ra sai lầm của bản thân mình không phải là điều dễ dàng.
Bạn có thể gán lý do cho một phép tính sai nào đó trong bài làm,
chẳng hạn như, hôm đó bạn bị đau bụng, đề bị sai, hay dễ dàng hơn là
phần đó không có trong chương trình học. Tốt thôi, người ta có thể
chấm điểm kiến thức của bạn, nhưng chẳng ai có thể bắt bẻ được
những lý do bạn ngụy biện cho sai lầm của mình. Nhưng hãy cẩn
thận, chính sự chối bỏ lúc bấy giờ sẽ dẫn tới những sai lầm nghiêm
trọng hơn trong tương lai.
Giải pháp tốt nhất đó là hãy thẳng thắn đối mặt với những lỗi sai
của mình. Một tờ giấy và cây bút là trợ thủ đắc lực của bạn. Hãy
nghiêm túc ngồi lại, liệt kê những sai lầm mình đã mắc phải trong kỳ
thi vừa rồi. Đó có thể là những sai lầm về kiến thức, thái độ, phương
pháp ôn tập, … Đó có thể là những sai lầm đặc biệt nghiêm trọng (như
bạn bị bắt phao chẳng hạn), hay những lỗi nhỏ nhặt (quên không chia
động từ trong bài luận). Bất cứ điều gì gây ra hậu quả đều phải được
ghi lại, càng trung thực và đầy đủ càng tốt.