giai đoạn Biên Hoà nay là thời kỳ Đồng Nai, có biết bao dâu bể đoạn
trường.
Nhớ lại mấy chục năm trước, khóa học chúng tôi trèo lên núi Châu Thới để
học bài địa hình, vượt sông Đồng Nai bằng thuyền máy, thưởng thức bưởi
ngon Biên Hoà đã nghe tiếng từ ngoài Hà Nội, có lúc đóng quân cạnh
Dưỡng Trí Viện, đi xem chiếu bóng tại rạp Biên Hùng, ăn các món cá tuyệt
hảo, đi những chuyến tàu Sài Gòn - Biên Hoà và cho tới nay một vài hình
dáng các cô gái Biên Hoà vẫn lởn vởn trong tâm trí.
Theo quảng cáo ở trang cuối, anh Thái Thụy Vy sẽ cho ra mắt một số tác
phẩm khác trong đó có một tuyển tập truyện ngắn, một chuyện dài dã sử và
tiểu thuyết Gió Đồng Nội, Gió Đại Dương.
Chúng ta cũng biết thi sĩ Thái Thụy Vy còn có nghề chụp ảnh nên anh đã
thực hiện một CD gồm 2,000 tấm ảnh nghệ thuật.
Nhưng đối với tôi, Thái Thụy Vy là một Chàng Thơ đã có bản sắc. Thơ anh
phóng khoáng nhưng đậm đặc nhân bản. Lại có mùi vị thiền tông trong
nhiều bài. Màu tím của người nghệ sĩ tài hoa ấy không phải là màu tím hoa
sim dã ngoại mà là mầu tím hoa lan phảng phất tính trầm mặc, kiêu kỳ của
loài hoa vương giả.
Tôi đọc thơ anh rất chậm. Đọc xong một bài lại gấp để đấy rồi khi thấy
lòng thật yên tỉnh mới đem ra đọc lại. Tôi thật ngạc nhiên tính cách trầm tư
sâu sắc từ nhận xét về một loài thực vật hay từ những lá hoa gửi kín đáo
những thông điệp dịu dàng đầy xúc động.
Tôi ghi lại câu lục bát cuối trong bài Vườn Cây Quê Nội của anh như là
một thoáng cảm nhận và đó cũng là tâm sự của chúng ta:
Nhớ ôi! Ôi nhớ làm sao
Muốn về quê nội đêm nào cũng mơ.
Phải, tâm hồn chúng ta lúc nào cũng vương vấn, nhớ thương nơi sinh thành
vì đó là kỷ niệm tuyệt vời và là cả máu xương của thân nhân và của bao liệt
sĩ, anh hùng nữa.