Ông Linh sanh tại làng Bình Long, bên tả ngạn của sông Đồng Nai (cùng
phần đất với tỉnh lỵ Biên Hoà), hồi nhỏ học ở trường làng Mỹ Lộc (hữu
ngạn sông Đồng Nai) với ông Nguyễn Ngọc Hứa (thân phụ giáo sư Nguyễn
Ngọc Huy) và ông giáo Huỳnh Văn Thọ (anh ruột của ông Huỳnh Văn
Nghệ, lớn lên học Pétrus Ký cùng lớp với Bác Sĩ Trần Nguơn Phiêu và ông
Đỗ Cao Minh), và rất thân với Đỗ Cao Trí; có lần, trong một bữa tiệc trong
dinh Độc Lập, ông đã bảo Đỗ Cao Trí:" Anh chịu trách nhiệm cả vùng phải
cẩn thận" vì nghe Đỗ Cao Trí đi hành quân thường đi hàng đầu với binh sĩ.
Tướng Trí đã trả lời: "Tướng không xông pha thì binh sĩ sẽ không hết
lòng", ông Linh là con chú bác với ông Trần Bá Thành, đời Tổng thống
Ngô Đình Diệm làm Giám Đốc Công An Nam Phần, học cùng lớp ở Tân
Uyên với Huỳnh Văn Nghệ, chính ông Trần Bá Thành đã điều đình với cò
Bazin cho ông Huỳnh Văn Nghệ ra trình diện vì lúc đó Huỳnh Văn Nghệ
theo Nhật Bổn sang Singapore chống Pháp, nhiều lần ông Huỳnh Văn
Nghệ dạy thế ông anh Huỳnh Văn Thọ.(Xin xem phụ lục của ông Trần Văn
Linh ở phần sau).
5) Bình Nguyên Lộc:
Cùng quê quán Tân Uyên có nhà văn nổi tiếng Bình Nguyên Lộc. Ông sinh
ngày 7 tháng 3 năm 1914(theo khai sinh thì 1915) tại làng Uyên Hưng, tổng
Chánh Mỹ Trung, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hoà, nằm ven sông Đồng
Nai. Bên kia là làng Bình Long, ngày xưa cùng thuộc một huyện, có các
nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn và ông mất vì áp huyết cao cũng
nhằm ngày 7-3-1987 tại Sacramento, tiểu bang California, năm sau đó thì
bà Bình Nguyên Lộc cũng qua đời vào ngày 10-10-1988;
Ông tên thật Tô Văn Tuấn, cha của Bác sĩ Tô Văn Hiệp, nguyên Giám đốc
Dưỡng Trí Viện Biên Hoà, chết vì bệnh ung thư máu lúc còn rất trẻ, lúc làm
giám đốc Dưỡng Trí Viện Biên Hoà Ông có nói nhiều lần trong gia đình,
bút hiệu của ông là nai đồng chứ không phải đồng nai, theo Hán Việt cụm
từ Bình Nguyên là Đồng, chỉ đóng vai tuồng complément déterminatif, chữ
sau Lộc là lộc nai, mới là danh từ chánh yếu. Ông Bình Nguyên Lộc chủ
trương nhà xuất bản Bến Nghé (1956), chủ nhiệm tuần báo Vui Sống
(1958).