Một lúc sau ông ngoại mới nói:
- Thúy Thúy, Thúy Thúy, vừa nãy người ấy đến làm gì, cháu có biết không?
- Cháu không biết! - Nói xong, em đỏ bừng cả mặt, cả cổ.
Ông ngoại nhìn cháu và hiểu ra tâm sự của Thúy Thúy. Ông đưa mắt dõi
nhìn phía xa và trong làn sương mù như nhìn thấy mẹ Thúy Thúy mười lăm
năm về trước. Lòng dịu hẳn, ông già khe khẽ tự nhủ: “Con thuyền nào cũng
cần một cái bến, con chim nào cũng cần một cái tổ.” Ông nhớ tới những
việc trước kia của người mẹ trẻ đáng thương, trong lòng có nỗi đau không
nói ra được nhưng ông vẫn gượng cười.
Còn Thúy Thúy thì sao? Từ tiếng chim vàng, chim đỗ quyên hót ríu rít
trong núi và trong tiếng chặt tre sạt sạt của người chặt tre, em nghĩ đến rất
nhiều chuyện. Câu chuyện hổ ăn thịt người, bài dân ca gồm bốn câu một để
chửi nhau, những hố vuông ở phường làm giấy, nước thép chảy ra trong lò
nấu thép, tất cả những gì nghe thấy, nhìn thấy, em đều ôn lại. Sở dĩ em làm
như thế là để mong quên hết một việc trước mắt, nhưng em đã lầm. Ông
ngoại nói:
- Thúy Thúy, ông quản bến Thuận Thuận có nhờ người làm mối cho cậu Cả
Thiên Bảo, xin cháu về làm dâu, hỏi ông có bằng lòng không. Còn ông thì
già rồi, vài ba năm nữa cũng đi thôi. Ông chẳng có việc gì không bằng
lòng, nhưng đây là việc của cháu, cháu phải tự nghĩ và tự nói ra. Bằng lòng
thì việc thành, mà không bằng lòng cũng chẳng sao.
Thúy Thúy đã hiểu ra. Người ta đến làm mối cho cậu Cả. Em không ngẩng
đầu lên, tim đập thình thình, mặt đỏ bừng nhưng vẫn bóc đỗ, thuận tay còn
vứt vỏ đỗ xuống suối. Nhìn chúng thong thả trôi theo nước, lòng em cũng
đỡ bối rối rất nhiều.
Thấy cháu gái mãi không lên tiếng, ông ngoại liền cười, bảo cháu: