Lí Tự Thành tại sao xưng là Sấm Vương?
Năm 12 niên hiệu Sùng Trinh (1639) cuối đời Minh, trong vùng núi Thương Lạc ở miền đông nam
tỉnh Thiểm Tây có một đám quân khởi nghĩa của nông dân hoạt động. Trên lá cờ rất lớn của quân khởi
nghĩa có viết một chữ "Sấm” rất to.
Năm sau các vùng lân cận của tỉnh Hà Nam, nơi nào cũng truyền tụng những câu ca dao
Giết bò, giết dê
Sửa soạn rượu ngon.
Mở cửa thành nghênh đón Sấm Vương,
Sấm Vương đến không phải nộp lương.
Sớm cầu thăng,
Chiều cẩu hợp.
Gần đây người nghèo rất khó sống
Sớm mở cổng thành nghênh đón Sấm Vương,
Mọi người chúng ta sống sung sướng.
Sấm Vương được nói đến trong các câu ca dao kể trên tức là Lí Tự Thành. Lí Tự Thành là lãnh tụ
cách mạng nông dân nổi tiếng những năm cuối đời nhà Minh.
Lí Tự Thành sinh năm 1606, vốn là một đứa trẻ chăn cừu nghèo khổ ở huyện Mễ Chi tỉnh Thiểm Tây,
nhưng từ nhỏ có võ nghệ cao cường. Năm 1630, ông tham gia một chi đội quân khởi nghĩa nông dân.
Vì thủ lĩnh của đám nghĩa quân này đầu hàng quan phủ, cho nên Lí Tự Thành chạy tới một đội quân
khác của quân khởi nghĩa do Cao Nghinh Tường lãnh đạo; Cao Nghinh Tường tự xưng là Sấm Vương,
còn Lí Tự Thành là thủ hạ thì được gọi là Sấm tướng.
Năm 1636 Cao Nghinh Tường bị bắt và hy sinh. Vì Lí Tự Thành tỏ ra có tài chỉ huy xuất sắc, nên
được bộ hạ tôn làm Sấm Vương để tiếp tục chỉ huy chiến đấu.
Về sau quân khởi nghĩa bị tổn thất nghiêm trọng, Lí Tự Thành chỉ mang theo mười tám bộ hạ đột phá
vòng vây, vào trốn trong núi Thương Lạc. Nhưng Lí Tự Thành không thoái chí, chỉ ít lâu sau đã lại
giương lá cờ to viết chữ "Sấm". Sau khi tích trữ được lương thực, Lí Tự Thành tiến vào Hà Nam, nêu
khẩu hiệu "Quân điền miễn lương" (chia đều ruộng đất, miễn nộp lương thực) được dân chúng hoan
nghênh, người nghèo coi Sấm Vương như cứu tinh. Cuối cùng nhờ có sự ủng hộ của quần chúng nhân
dân, năm 1644 Lí Tự Thành đem quân đánh chiếm Bắc Kinh, diệt Minh triều, thành lập chính quyền,
viết nên một trang huy hoàng trong lịch sử chiến tranh nông dân ở Trung Quốc.
VƯƠNG QUỐC DŨNG