Quyền lực của tổng thống lớn hơn hay quyền lực của thủ tướng lớn hơn?
Trên thế giới có nhiều quốc gia có tổng thống và thủ tướng. Ví dụ như Pháp, Đức, Italia, Ấn Độ. Tuy nhiên người xuất đầu lộ diện trên
vũ đài chính trị hay chủ trì các công vụ chính trị thì có quốc gia là tổng thống, chẳng hạn như tổng thống Pháp; nhưng có quốc gia lại là
thủ tướng, chẳng hạn như thủ tướng Đức, thủ tướng Ấn Độ. Vậy quyền lực của tổng thống hay quyền lực của thủ tướng lớn hơn? Muốn
trả lời câu hỏi này thì trước tiên phải xem quốc gia ấy theo hình thức tổ chức chính quyền nào.
Các nước Đức, Italia, Ấn Độ theo chế độ nội các, tại đó, thủ tướng là đầu não của chính phủ, có thể sử dụng mọi quyền lực của chính
phủ, còn tổng thống thì chỉ là nguyên thủ quốc gia, không chịu trách nhiệm chính trị thực tế, vì thế quyền lực của tổng thống chỉ mang tính
chất tượng trưng và nghi thức mà thôi.
Nhưng có những quốc gia như nước Mỹ lại dùng chế độ tổng thống, chỉ có tổng thống, không có thủ tướng. Tổng thống là nguyên thủ
quốc gia và đứng đầu chính phủ, nắm quyền hành chính.
Lại có những quốc gia như Pháp nửa theo chế độ tổng thống, nửa theo chế độ nội các. Tổng thống tuy không đứng đầu chính phủ nhưng
trên thực tế lại nắm quyền hành chính, còn thủ tướng tuy nắm những quyền lực nhất định, nhưng lại bị tổng thống bổ nhiệm và bãi miễn,
quyền lực lãnh đạo không lớn bằng tổng thống.
Cũng tương tự như vậy, tại một số quốc gia thực hành chế độ quân chủ lập hiến như nước Anh; nước Nhật vì áp dụng chế độ nội các,
nên tuy có quốc vương, nhưng quyền lực thực tế vẫn trong tay thủ tướng.
VƯƠNG QUỐC DŨNG