Tương tự, những tờ tiền chỉ là những tờ giấy với dòng cam kết “Tôi nợ bạn”
của chính phủ, và nó cung cấp cho mọi người một niềm tin rằng nó có thể
được trao đổi và sẽ được người khác chấp nhận. Mọi người cũng tin tưởng
rằng tiền không dễ bị làm giả, và nếu những tờ tiền giả được tạo ra, những
kẻ làm nên chúng sẽ bị trừng trị theo pháp luật.
Phần lớn nguồn cung tiền của thế giới không tồn tại dưới hình thức tiền xu
hoặc tờ giấy bạc. Nếu ngày mai tất cả mọi người vào ngân hàng để rút tiền,
thì ngân hàng sẽ không có đủ tiền cho tất cả mọi người. Kịch bản này đã xảy
ra gần đây ở Hy Lạp khi chính phủ và ngân hàng đặt ra định mức số tiền mọi
người có thể rút ra mỗi ngày.
Chúng ta đều biết rằng số tiền này chỉ tồn tại dưới hình thức điện tử, và
không có đồng tiền xu, tiền kim loại hay vàng nào bảo đảm, vậy tại sao
chúng ta chấp nhận nó?
Nếu tôi gửi một email với nội dung có dòng chữ đánh máy “1.000 đô la”, thì
tại sao những chữ số điện tử này không có cùng giá trị với những chữ số
điện tử xuất hiện trong tài khoản của bạn?
Giống như tiền xu và tờ giấy bạc, chúng ta tin rằng chúng ta có thể chuyển
những con số điện tử trong tài khoản ngân hàng cho các cá nhân và doanh
nghiệp, để đổi lấy hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó, con số được viết trong
nội dung email có thể bị sao chép dễ dàng, và bất cứ ai cũng có thể viết số
vào email và gửi đi càng nhiều email càng tốt. Điều này khiến những chữ số
điện tử trong email không có giá trị như một hình thức thanh toán, bởi vì
mọi người sẽ không chấp nhận chúng.
Còn đối với hình thức tiền điện tử trong tài khoản ngân hàng, chúng ta tin
tưởng rằng các ngân hàng đang lưu giữ những hồ sơ chính xác tất cả những
số dư tài khoản cũng như những khoản tiền được chuyển đi, và số liệu điện
tử đó không thể bị sao chép như khi xuất hiện trong email.