Vào năm 2013, mọi thứ trở nên tiêu cực đối với Bitcoin: FBI đóng cửa vĩnh
viễn trang web Silk Road, đồng thời tịch thu tất cả tài sản trên đó, và người
sáng lập Silk Road bị kết án tù chung thân. Đáng chú ý là, người sáng lập đã
bị bắt khi ông ta cố gắng trả lương bằng bitcoin cho một cảnh sát nằm vùng
giả làm một lính đánh thuê trên trang web Silk Road để nhận sát hại một ai
đó. Đây là một tin tức gây chú ý lớn vào thời điểm đó, và nó không giúp cải
thiện danh tiếng của Bitcoin trong tâm trí của công chúng.
Thậm chí, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn với Bitcoin khi sàn giao dịch
Bitcoin lớn nhất Mt. Gox cho ngừng rút tiền bằng đô la Mỹ, và tuyên bố phá
sản vào đầu năm 2014. Tại thời điểm đó, sàn Mt. Gox nắm giữ khoảng 70%
tổng số các giao dịch liên quan tới Bitcoin, và khi sàn tuyên bố phá sản,
nhiều người đã mất hết số bitcoin của mình.
Những sự kiện này khiến Bitcoin giảm giá từ khoảng 1.000 đô la xuống còn
khoảng 200 đô la trong năm kế tiếp. Sau đó, các đồng tiền mã hóa mới được
tạo ra bằng mã nguồn Bitcoin, và nhiều người tuyên bố rằng Bitcoin đã
chấm hết.
Tuy nhiên, Bitcoin không sụp đổ, và nhờ việc trang Silk Road bị đóng cửa,
Bitcoin dần bớt liên quan tới ma túy, sát nhân và tội phạm. Nhóm xây dựng
Bitcoin cốt lõi tiếp tục thực hiện các cải tiến về mã nguồn Bitcoin. Và mọi
người bắt đầu chú ý dẫn đến công nghệ nền tảng đằng sau Bitcoin và hiểu
hơn về tiềm năng của nó.
Những người nhìn vào công nghệ nền tảng đằng sau Bitcoin đã thấy được sự
kỳ diệu về cách thức nó hoạt động ra sao, nhưng vẫn rất khó để kêu gọi
nguồn tài trợ nghiêm túc cho các dự án liên quan đến Bitcoin. Nhiều công ty
và chính phủ vẫn coi Bitcoin là tiền Internet giả mạo, cụ thể hơn, họ chỉ coi
nó là một trào lưu nhất thời hay một vụ lừa đảo. Các công ty lớn và các tổ
chức tài chính không muốn dính líu tới Bitcoin, bởi vì họ vẫn thấy nó có liên
quan quá chặt chẽ tới sự phá sản của Mt. Gox và lực lượng tội phạm trên
Silk Road.