chấp nhận cuộc đời như nó vốn có với đầy đủ hỉ nộ ái ố, với những điều tốt
đẹp và những trò xấu xa, với những phút vui sướng và những giờ khổ đau.
Những người bạn Châu Phi có màu da không sáng sủa đó rất biết cách tận
hưởng cuộc sống vào mỗi giây phút họ hiện hữu để không bao giờ phải hối
tiếc về sau. Và, Liên thấy họ là những người hạnh phúc nhất trong ngôi
làng thế giới nhiều giống dân, mãi mãi tồn tại những bất công và mâu thuẫn
này.
T
Về Việt Nam, Liên đi xin việc rất chật vật vì bằng cấp tỉ lệ nghịch với
kinh nghiệm. Làm nhân viên quèn quá phí mà làm trưởng phòng thì chưa
đủ kinh nghiệm, chẳng công ty lớn nào dám nhận Liên cả. Cô nhớ trường
hợp chị Cầm tình cờ gặp trên xe lửa trong thời gian du học. Chị nói mình
có bằng thạc sĩ, đã từng làm ba năm với cương vị giám đốc sản phẩm cho
một công ty hàng tiêu dùng đa quốc gia, sau khi lấy chồng là một Việt kiều,
sang bên này chị không sao xin được việc. Chẳng công ty lớn nào dám giao
vị trí manager cho một người từ Việt Nam sang như chị, họ cũng không
muốn tuyển chị vào những vị trí nhân viên thường sau khi đọc cái sơ yếu lý
lịch quá ấn tượng. Họ không muốn phí tiền mua một thanh gươm báu cho
việc cắt bánh mì. Thế là chị Cầm thất nghiệp mười tám tháng trời ròng rã
dù cố gắng đi xin việc mờ mắt. Nhưng lòng kiêu hãnh khiến chị nhất định
không cam lòng bỏ bớt đi bằng cấp và khai gian mình chưa từng được làm
quản lý. Không muốn rơi vào hoàn cảnh trớ trêu như chị, Liên bắt chước
cách sống "thuận theo tự nhiên" như những người bạn Châu Phi, cô quyết
định dấu bớt mảnh bằng cao nhất thì đột nhiên một công ty Việt Nam gọi đi
làm với chức manager dù rằng nhìn vào bản mô tả công việc Liên thừa biết
đó chỉ là hữu danh vô thực. Cô thấy tội nghiệp cho Hà, một cô bé sinh viên
người Hà Nội, bị gia đình có truyền thống trọng bằng cấp ép sang du học
dù sức Hà không kham nổi. Năm này qua năm khác cô bé rớt lên rớt xuống
thiếu điều muốn tự tử nhưng cha mẹ nhất định không cho về. Họ đã giành
giật để cho con suất học bổng toàn phần, giờ dù có phải bán nhà để Hà tiếp