công nghiệp quân sự và đầu mối giao thông liên lạc. Họ nói rằng có thể làm
được việc đó bằng cách sử dụng vũ khí hạng nặng. Tư lệnh tập đoàn quân 6
đặc biệt khăng khăng một mực giữ ý kiến đó.
Là người tham dự cuộc bàn luận, Han-đe chỉ bày tỏ cảm tưởng của mình
khi viết vào cuốn nhật ký ngày 12 tháng Chín 1942 bằng một lời như sau:
“Pao-lút!”. Sang ngày hôm sau, 13 tháng Chín, Hít-le ký chỉ thị. Cụm tập
đoàn quân “B” được lệnh chuẩn bị “giải pháp trung bình” cho vấn đề vạch
tuyến trận. Đồng thời ở đây cũng nói rõ là: “nếu cuộc tấn công gặp phải sức
kháng cự giảm sút của quân địch thì cần phải tăng cường cố gắng tiêu diệt
địch bằng cách cho các đơn vị cơ động đánh vượt qua tuyến cuối cùng đã
được vạch ra theo “giải pháp trung bình”.
Địch không hủy bỏ cuộc tấn công vào A-xtơ-ra-khan, mà vẫn ra lệnh
chuẩn bị cuộc tấn công đó. Còn về sườn trái của tập đoàn quân Đức 6 mà bộ
chỉ huy quân Đức rất lo ngại, thì chúng đã bắt đầu vội vã lập các trận địa
phòng thủ ở đây trên sông Đôn, phía Tây và phía Nam Vô-rô-ne-giơ. Ngoài
ra, vào tháng Chín – tháng Mười, tập đoàn quân Ru-ma-ni 3 cũng được tung
vào khu vực mặt trận từ Cli-ốt-xcai-a cho tới E-lan-xcai-a. Về sườn phải của
tập đoàn quân 6 thì bộ chỉ huy địch không tỏ ra lo ngại vì chúng cho rằng
cuộc tấn công vào A-xtơ-ra-khan sẽ thắng lợi và sự cần thiết phải đảm bảo
bên sườn này tự nó sẽ mất đi.
Việc phân tích tỉ mỉ tình hình, mà Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu
tiến hành một cách có hệ thống, vào giữa tháng Chín đã cho phép rút ra kết
luận rằng trong tương lai gần đây sẽ xuất hiện khả năng thay đổi hẳn tình thế
theo chiều hướng tốt hơn. Ở Xta-lin-grát, địch không thể tiến công được nữa
và trên thực tế đã bị chặn lại. Cả điều sau đây cùng không kém phần quan
trọng: ở sâu trong phần châu Âu của đất nước, ở Xi-bia và Trung Á đã hoàn
thành việc tổ chức và huấn luyện các lực lượng dự bị to lớn của Đại bản
doanh có thể được đưa tới Xta-lin-grát. Các đơn vị này, nhất là các đơn vị xe
tăng, là một lực lượng hùng hậu, có thể làm thay đổi hẳn tình thế ở Xta-lin-
grát có lợi cho ta.