Gần 5 năm phục vụ trong quân ngũ ở Xê-va-xtô-pôn đã để lại trong ký ức
tôi không hẳn chỉ là mặt biển xanh và những bãi biển vàng óng, mà chủ yếu
là cái nóng gắt của miền thảo nguyên và tình trạng không có chỗ trú chân ở
vùng đồi núi, nơi chúng tôi đã từng bị thấm ướt không phải chỉ một chiếc áo
va-rơi.
Còn giờ đây, cuối năm 1943, tôi lại có mặt tại Crưm. Trước mắt chúng tôi
là bờ đá tối tăm, ảm đạm và dốc đứng. Xung quanh không một bóng cây,
không một lùm cỏ. Chỉ có vết tích những trận chiến đấu mới đây: những hố
bom hốc đạn. Thật không muốn tin rằng ở đây lúc này chỉ có những thứ đó
là thuộc về chúng ta, còn toàn bộ Crưm thì vẫn đang nằm trong tay giặc, và
để giải phóng Crưm, ta còn phải chịu tốn không ít sinh mệnh nữa.
Căn cứ bàn đạp của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải không rộng
quá 10-12 ki-lô-mét. Sườn phải của mặt trận dựa vào biển A-dốp, sườn trái
chạy dài lên phía Đông – Bắc Kéc-tsơ. Địa hình rất lồi lõm, mấp mô. Vách
núi dốc đứng ăn ra tận biển. Những điểm cao khống chế nằm trong tay giặc.
Từ đó, chúng có thể quan sát rõ tiền duyên phòng ngự của ta, riêng có một
vách núi không lớn lắm là có thể che khuất được bờ ăn sâu ra biển của vịnh
Kéc-tsơ.
Căn cứ bàn đạp dọc ngang đầy những chiến hào, nhà hầm, hào giao
thông, hầm trú ẩn chồng chéo với nhau thành một mạng lưới kỳ khôi. Lực
lượng chủ yếu của tập đoàn quân độc lập miền Duyên hải đóng tại đây, gồm
hai quân đoàn (11 và 16) và đội dự bị, tổng cộng là 9 sư đoàn và 2 lữ đoàn
bộ binh. Một số đơn vị xe tăng, pháo binh và thậm chí không quân đã được
điều đến căn cứ này: sân bay đầu tiên của ta thiết bị ngay sát biển trong khu
Ô-pa-xnai-a.
Các đồng chí đã dành cho C. E. Vô-rô-si-lốp, tôi và những người cùng đi
với chúng tôi ba căn nhà hầm cấu trúc trên sườn một cao điểm hướng ra
ngoài vịnh. Cách chỗ chúng tôi chừng 600 mét là túp nhà gỗ ghép của tư
lệnh tập đoàn quân I-van E-phi-mô-vích Pê-tơ-rốp. Dưới nền nhà có một