Trên đây, tôi đã nói đến ý định của Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô: cắt
Cụm tập đoàn quân “bắc” của địch ra khỏi những đơn vị khác của chúng.
Mùa hè năm 1944, ý định ấy đã thành hiện thực.
Hạ tuần tháng Bảy, phương diện quân Pri-ban-tích 1 từ khu vực Pa-nê-vê-
gi-xơ tiến công vào hướng Si-a-u-lai, còn phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 3
thì thẳng hướng tiến vào Đông Phổ. Như lúc này người ta thường nói, Quân
đội Liên Xô đã tiến đến sát “sào huyệt con ác thú phát-xít”. Nói như vậy,
không những đúng về mặt hình tượng, mà còn đúng cả về nội dung nữa, vì ở
phía sau các hồ Ma-dua, trong khu vực Rốt-xten-bua, là sở chỉ huy của tổng
hành dinh Hít-le “Von-phơ-san-txơ”, đang nằm sâu dưới đất. (Tổng hành
dinh của Hít-le lấy tên là “wolfsschanze”, tiếng Đức có nghĩa là “sào huyệt
của con chó sói”. – ND).
Ngày 24 tháng Bảy, I. Kh. Ba-gra-mi-an – tư lệnh phương diện quân Pri-
ban-tích 1 – xác định là địch rút quân về Crút-xpin-xơ rồi sau đó về Ri-ga và
Mi-ta-va (En-ga-va). Quân Đức chỉ còn bám lại những trận địa của chúng ở
phía trước cánh trái của phương diện quân mà thôi. Nhưng sức chống cự của
chúng ở đấy cũng đã yếu lắm rồi. Sở dĩ như thế, là vì những đòn đột kích
mạnh của phương diện quân bạn Bê-lô-ru-xi-a 3 đã tiến đến những đường
tiếp cận vào Đông Phổ.
Dự đoán của Bộ tổng tham mưu đã được thực hiện: những mũi đột kích
của một số phương diện quân của ta phối họp chặt chẽ trong một thời gian,
đã làm cho hai tập đoàn quân Đức 18 và 16 suy sụp hẳn. Chúng không còn
khả năng cơ động dễ dàng như trước nữa. Bây giờ, thời cơ đã đến để kẹp
chặt quân Đức lại ở miền Pri-ban-tích, như ta đã hình dung ra từ trước.
Nhưng, lực lượng của ta cũng bị tiêu hao, những đội dự bị thì không được
dồi dào lắm. Hành động tiến công của các Lực lượng vũ trang Liên Xô diễn
ra trên quy mô ngày một tăng thêm. Sau chiến dịch ở Bê-lô-ru-xi-a là tiếp
ngay đến cuộc tiến công với quy mô lớn nhất ở miền Tây U-crai-na, mà chỉ
cách nhau có một thời gian ngắn. Tất cả những sự kiện ấy đã đòi hỏi phải có
nhiều đội dự bị và những đội dự bị ấy cũng đã tan đi nhanh.