Sườn phía Mông Cổ của Đạo quân Quan Đông bị yếu, cho phép ta có thể
thọc sâu ở đây, vào phía sau tập đoàn của chúng.
Đặc điểm bố trí thành tuyên sâu của Đạo quân Quan Đông, theo quan
điểm chúng tôi, chứng minh rằng: nếu diễn biến chiến đấu ở Mãn Châu mà
không lợi, thì bộ chỉ huy Nhật sẽ cho rút quân ra khỏi mặt Bắc và mặt Tây
khu vực đang tác chiến, kéo về phía biên giới Triều Tiên; và như vậy sẽ tạo
ra những điều kiện thuận lợi để tiếp tục chiến dịch. Bộ tổng tham mưu đã
không nhầm. Đúng là bọn Nhật đã có kế hoạch như thế. Nhưng chúng không
tài nào thực hiện nổi, vì những đợt tiến công của quân đội xô-viết quá mãnh
liệt.
Cũng cần vạch ra là nếu như các mũi đột kích của các tập đoàn đơn vị
chúng ta hành động không đồng loạt với nhau, thì bọn Nhật có thể đánh lui
từng bộ phận một, điều quân của chúng từ hướng này sang hướng khác. Và,
chúng ta lại một lần nữa rút ra những kết luận thực tiễn.
Rất nhiều vấn đề đặt ra trước Bộ tổng tham mưu trong khi xây dựng ý
định những chiến dịch. Muốn chiến thắng quân Nhật trong thời gian ngắn,
thì phải dự kiến tiến công nhanh. Phải đánh tan ngay Đạo quân Quan Đông,
không cho chúng rút về sâu Trung Quốc hay sang Triều Tiên.
Tập đoàn bộ đội xô-viết có mặt ở Viễn Đông tháng Tư 1945 chưa thể làm
được việc ấy; tập đoàn đó mới chỉ giải quyết được những nhiệm vụ phòng
ngự. Căn cứ vào hình thái bố trí bộ đội ta lúc bấy giờ, chúng ta chỉ có thể đột
kích trên hướng Mẫu Đơn Giang (từ phía miền Duyên hải) và trên hướng
Hải Lạc Nhì – Tề-tề-cáp-nhĩ (từ phía Da-bai-can).
Song, những mũi đột kích như vậy chưa giải quyết được vấn đề bao vây
Đạo quân Quan Đông và cũng chưa thể cắt nổi giao thông của chúng.
Những mũi đột kích đó có thể đẩy lùi nhưng không tiêu diệt được quân địch,
như thế là sẽ mâu thuẫn với thực chất nhiệm vụ Đại bản doanh đã giao cho
và không phù hợp với tính chất kiên quyết của chiến dịch sắp tới. Nếu chỉ
đơn thuần đẩy lùi địch, thì chúng vẫn có thể tiếp tục điều những đơn vị trong
tung thâm, nhất là ở Triều Tiên, đến tăng cường; và như vậy có nghĩa là