Ở phía Bắc, những đường tiếp cận vào Mãn Châu chẳng những được
mạch núi Tiểu Hưng An mà còn cả sông A-mua (Ta cũng thường gọi là Hắc
Long Giang theo tiếng Trung Quốc. – ND.) rộng lớn yểm hộ, còn ở phía Tây
– Bắc thì có dãy núi In-khu-ri – A-lin và dãy hoành sơn Đại Hưng An che
chở.
Dãy núi hiểm trở Đại Hưng An cao trung bình 1.000 tới 1.100 mét trên
mặt biển, chạy dài hàng mấy trăm ki-lô-mét theo hướng kinh tuyến, ăn sâu
xuống lãnh thổ Mãn Châu, lúc thì chạy sát chỉ cách biên giới chừng 50 ki-lô-
mét ở hướng Ho Luân, lúc thì ra xa 200 tới 250 ki-lô-mét. Còn ở Nội Mông,
những ngọn núi Đại Hưng An lại liên kết với miền cao nguyên bán sa mạc,
kéo tới tận phía Tây – Nam sa mạc Gô-bi.
Tuy vậy, cũng cần phải nhận xét rằng trong điều kiện không gian rộng lớn
của chiến trường ở đây, Nhật không thể có đủ lực lượng để đóng liên tục
suốt biên giới, hoặc chiếm giữ tất cả những tuyến phòng thủ thiên nhiên. Dù
muốn hay không, chúng cũng bắt buộc phải chọn lấy những hướng tác chiến
nào có nhiều khả năng thuận lợi hơn hết.
Dọc biên giới chung với Liên Xô và một phần biên giới chung với nước
Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ, chúng đã cấu trúc nhiều cứ điểm, yểm hộ
những đường tiếp cận tới những đường ngang chính vượt qua các mạch núi.
Trên nhiều đoạn dọc biên giới Mãn Châu với nước Cộng hòa Nhân dân
Mông Cổ có những bãi trảng rộng, mọi binh chủng bộ đội hoạt động dễ, thì
không cấu trúc những công trình chướng ngại và hoàn toàn không có những
đơn vị yểm hộ. Hướng có nhiều núi và sa mạc tới Đa Luân và Da-di-a-côp
(Can-gan), bên cực phải phía sườn Mông Cổ thì rất yếu. Tất nhiên, chúng tôi
có nghiên cứu kỹ hướng này lúc xây dựng ý định các chiến dịch.
Đồng thời, phải thấy rằng hình thái Đạo quân Quan Đông trên một số địa
đoạn ngoài mặt trận sắp tới có nhiều ưu thế không thể chối cãi được. Rõ
nhất là những địa đoạn ở Viễn Đông. Như đã nhận xét ở trên, dọc biên giới
miền Duyên hải trên những hướng ta sẽ tiến công, chúng đã cấu trúc những
khu vực kiên cố, có lực lượng của phương diện quân Đông Mãn Châu chiếm
đóng, hợp thành thê đội một phòng ngự của địch.