Tôi cảm thấy đồng chí Đơ-mi-tơ-ri Mi-khai-lô-vích Các-bư-sép, kỹ sư và
bác học, là người được lòng đám học viên chúng tôi nhất. Đồng chí ấy biết
truyền đạt cái môn học tựa như “khô khan” ấy một cách rất ý nhị và dùng
những phương pháp đơn giản, độc đáo giúp chúng tôi nhớ được những phép
tính kỹ thuật phức tạp.
Tôi ghi nhớ suốt đời cái công thức thực hành của đồng chí để tính lực
lượng và những phương tiện thiết bị trận địa bằng hàng rào dây thép gai:
một tiểu đoàn, một giờ, một ki-lô-mét, một tấn, một hàng rào. Và đám anh
em hay pha trò, châm biếm đã cải biên công thức ấy thành: một công binh,
một búa rìu, một ngày, một gốc cây. Chuyện bông đùa ấy tới tai Các-bư-sép,
nhưng đồng chí không hề bực mình. Và, ngay chính đồng chí ấy cũng thích
khôi hài, nếu có dịp. Có lẽ, không một bài giảng nào của đồng chí lại vắng
cái môn đó cả.
Tôi có thể nói rằng các bài giảng của đồng chí G. X. Ít-xe-rơ-son về nghệ
thuật chiến dịch và chiến lược, cũng như các bài giảng của đồng chí A. V.
Gô-lu-bép về chiến thuật của những binh đoàn lớn, có giọng nói nghiêm
khắc hơn, “học viện” hơn nhưng cũng sâu sắc và xúc tích. Những giáo viên
có tài như: A. V. Kiếc-pít-nhi-cốp, V. C. Moóc-dơ-vi-nốp, E. A. Si-lốp-xki,
X. N. Cra-xin-nhi-cốp cũng để lại nhiều kỷ niệm tốt trong chúng tôi. Tất cả
đều tinh thông bộ môn của mình và đều là những nhà phương pháp học rất
xuất sắc
Đội ngũ sử gia quân sự cũng là một đội ngũ rất mạnh trong học viện. Các
đồng chí biết xây dựng bài giảng sao cho học viên không những hiểu rõ
được đường lối chung phát triển quân đội và những phương thức hoạt động
chiến tranh, mà còn có thể biết rút ra những cái gì của quá khứ để vận dụng
trong hiện tại.
Nổi nhất về mặt này là đồng chí V. A. Mê-li-cốp, người giảng và cũng là
người say mê lịch sử Chiến tranh thề giới thứ nhất. Đôi khi, đồng chí mê
mải đến nỗi ngồi quay lưng lại học viên, mắt dán vào bản đồ căng trên giá
mà kể chuyện lịch sử một cách kỳ thú, hấp dẫn. Đã có chuông nghỉ giải lao
nhưng bài giảng vẫn cứ tiếp tục, ngay cả những chàng nghiện thèm thuốc