Trần Nhược Hy hỏi Bạch Tiên Dũng: “Anh nghĩ cô ấy béo hay gầy?”. Bạch
Tiên Dũng quả quyết: “Chắc chắn cô ấy vừa gầy vừa nhỏ.” Không lâu sau
Trương Ái Linh xuất hiện, cô gầy guộc cô độc, làn da trắng mướt, mặc một
chiếc áo sườn xám nhạt màu, trông lại càng trẻ trung. Trong Một lần gặp gỡ
Trương Ái Linh, Trần Nhược Hy từng viết: “Toàn thân toát ra một thần thái
đặc biệt, một sự quyến rũ vừa xa xôi lại vừa quen thuộc, đại khái là phong
cách đặc trưng của những năm ba mươi vậy…”.
Đúng thế, cô chính là người phụ nữ đi ra từ trong mưa khói Dân Quốc,
mang một vẻ quyến rũ mà không ai có thể thay thế được. Ngữ điệu của cô
rất nhẹ, rất chậm, thậm chí còn phảng phất xen lẫn những linh cảm, nhưng
xót xa. Bạch Tiên Dũng nhớ, anh ngồi bên cạnh Trương Ái Linh, cho rằng
cô sẽ nói khẩu âm Thượng Hải, nhưng không ngờ giọng nói của cô lại là
tiếng phổ thông mang âm hưởng Bắc Kinh nhàn nhạt.
Dường như Trương Ái Linh nói chuyện rất ăn ý với Vương Trinh Hòa,
cô nói: “Đọc qua cuốn Quỷ, Gió Bắc, Người của cậu, quả thật tôi rất thích
căn nhà cũ mà cậu viết, khi đọc cảm thấy dường như mình đã sống ở nơi đó
vậy”. Vương Trình Hòa nghe xong lấy làm phấn khởi, lập tức mời Trương
Ái Linh đến nhà cũ của anh ta ở huyện Hoa Liên[1] ở mấy ngày, trải
nghiệm cuộc sống ở đây.
[1] Hoa Liên: Một huyện lớn nhất ở Đài Loan, nằm ở khu vực miền núi,
duyên hải phía đông Đài Loan.
Trương Ái Linh cũng nhận lời, sau bữa cơm, cô để Trần Nhược Hy đưa
cô đi dạo phố, mua một ít vải vóc, dự định làm quà gặp mặt tặng cho
Vương Trinh Hòa và mẹ anh. Sau khi rời buổi tiệc, Trương Ái Linh và Trần
Nhược Hy nói chuyện thao thao bất tuyệt, họ bàn luận về vấn đề nữ giới,
sườn xám, kiểu tóc… Sau này Trần Nhược Hy kể lại: “Đây đúng là người
phụ nữ đáng yêu nhất mà tôi đã từng gặp, tuy cô ấy hoàn toàn khác với
tưởng tượng của tôi trước đây, nhưng lại không hề khiến tôi thất vọng một
chút nào”.