được giải quyết trong một tuần nữa, Wilson bay về nhà ở Florida Keys để
nghỉ ngơi vài ngày.
Ở đó, Wilson bắt đầu nhận được các cuộc gọi đầy lo lắng từ các đồng
minh ở Winston-Salem. Ông nghe nói kẻ thù của mình đang tập trung cho
một cuộc tấn công để đưa Johnson lên. Lo lắng, Wilson gọi điện cho John
Medlin, Chủ tịch ngân hàng Wachovia, một trong hai giám đốc mà Wilson
đã đưa vào hội đồng quản trị. “Vâng, có điều gì đó đang diễn ra,” Medlin
nói. “Tôi ước mình có thể giúp, nhưng ông thật sự đang gặp vấn đề.”
Tiếp theo, Wilson gọi cho Hugel, ông biết người này đang dàn dựng
phong trào ủng hộ Johnson. Có nên gọi cho Sticht không? Wilson băn
khoăn.
“Ông ấy sẽ không giúp được gì đâu,” Hugel nói một cách khó hiểu.
Macomber thì sao? “Không ích gì đâu,” Hugel nói. Ông ta nói thẳng với
Wilson: “Ông không được ủng hộ đâu.”
Wilson thử lần cuối, gọi cho Vernon Jordan, nhưng không có tác dụng.
“Ông thua rồi,” Jordan nói. “Ông nên chấp nhận một thỏa thuận và ra đi.”
Wilson biết điều gì sẽ phải đến. Trong cuộc họp tuần sau đó, ông từ
chức. Lặng lẽ ra đi, Wilson nhận được một thỏa thuận hào phóng: thanh toán
một lần 3,25 triệu đô-la, tiếp tục trả lương hằng năm và tiền thưởng 1,3 triệu
đô-la cho đến khi nghỉ hưu chính thức vào cuối năm 1987, sau đó là tiền
lương hưu hằng năm khoảng 600.000 đô-la. Các giám đốc thậm chí còn cho
ông thêm một số đặc quyền: một văn phòng làm việc và thư ký riêng, một hệ
thống an ninh cho ngôi nhà của ông, điện thoại trên xe hơi và sử dụng căn
hộ của công ty. Các giám đốc dựng lên một câu chuyện đăng trên trang bìa.
Họ tuyên bố sự ra đi này phù hợp với mong muốn từ lâu của ông là được
nghỉ hưu sớm.
Sau cuộc họp đó, toàn bộ hội đồng quản trị chính thức có quyết định
thay đổi nhân sự trong một cuộc họp trên điện thoại. Chẳng cần mấy nỗ lực,
Ross Johnson đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Điều hành của RJR
Nabisco, công ty công nghiệp lớn thứ 19 của Mỹ. Sau này, Ty Wilson vẫn
lẩm bẩm: “Họ chơi tôi.”