GIỚI THIỆU TÁC PHẨM
“Một trong những tác phẩm viết về tình yêu hay nhất của nền văn học
Pháp”. Sự đánh giá ấy đối với cuốn tiểu thuyết Bông huệ đỏ đã có từ lâu, và
gần như được công nhận hoàn toàn trong đông đảo người đọc, cũng như trong
giới phê bình Pháp>
Hay nhất, không phải vì nội dung tác phẩm, số phận nhân vật và tình yêu
của họ đã vượt ra ngoài tầm cỡ con người bình thường, mà trái lại, là một
bước dấn sâu hơn vào thế giới nội tâm phong phú phức tạp của những con
người bình thường. Ba người ấy, nàng Thérèse diễm lệ và đa tình, chàng Le
Ménil, rồi chàng Decharre, hoàn toàn không phải là những “siêu nhân”. Họ
trần tục như hết thảy những người trần tục nhất. Họ đến với nhau, hòa quyện
vào nhau, thiêu đốt nhau trong ngọn lửa đắm say cực kỳ mãnh liệt, để rồi cùng
chính lúc ấy, họ gieo mầm khổ ải cho nhau bởi sự ham hố bất tận, tính ích kỷ
và sự ghen tuông. Tình yêu là hạnh phúc, nhưng tình yêu cũng là khổ đau?
Hạnh phúc trong khổ đau? Hay khổ đau trong hạnh phúc? Con người không
phải không luôn luôn tự đặt ra những câu hỏi như vậy. Nhưng kết cục con
người vẫn không thoát khỏi nỗi đam mê mà tấm lưới tình yêu đã giăng sẵn để
đón chờ họ.
Bông huệ đỏ được viết sau hàng loạt các tác phẩm lừng danh của
AnatoleFrance, ghi nhận một bước chuyển khá quan trọng trong sự nghiệp
sáng tạo của ông. Nếu như trong các tiểu thuyết Ðảo chim cụt, Thiên thần nổi
loạn, Thais, v. v.., nhân vật của ông là những trí thức khép kín, mang nỗi đau
khổ âm thầm của thời đại, thì trái lại, trong Bông huệ đỏ, Thérèse, Le Ménil,
Decharre… đều bình thường, gần gũi. Có người cho rằng đó là sự phản ánh
một phần tâm trạng thực của tác giả qua mối tình “hạnh phúc và đau khổ”
của ông với bà Caillavel, người phụ nữ trí thức nổi tiếng thời bấy giờ.