chế Muyara chỉ huy một đạo quân tám mươi ngàn người tiến thẳng về
Mađrit.
Vua Saclơ, Hoàng hậu Mari Luidơ, và Đông Manuen đê Gôđoa, lúc đầu
quyết định trốn khỏi kinh thành, nhưng nhân dân bị kích động nổi dậy đã
bắt giữ họ lại ở Arăngiuê. Những người bạo động đã bắt Gôđoa, hành hạ
cực kỳ tàn nhẫn, rồi tống giam, còn nhà vua thì buộc phải thoái vị, nhường
ngôi cho Fecđinăng. Biến cố này xảy ra ngày 17 tháng 3 năm 1808. Và chỉ
sáu ngày đó, Muyara đã chiếm thủ đô Mađrit (23-3-1808).
Nhưng Napôlêông không công nhận Fecđinăng, ra lệnh bắt cả vua mới,
vua cũ và toàn thể Hoàng gia về đất Pháp ở Bayon. Sau đó, Napôlêông
tuyên bố truất bỏ ngôi vua của cả Saclơ IV (vua cũ) và Fecđinăng (vua
mới), giam lỏng bọn này cùng với hoàng tộc ở Valăngxay.
Ngày 10 tháng 5 năm 1808, Napôlêông sắc phong cho anh là Giôdép,
vua xứ Naplơ chuyển sang Mađrit để lên ngôi vua Tây Ban Nha.
Song, bắt đầu từ ngày 2 tháng 5 năm 1808, khởi nghĩa đã nổ ra ở Mađrit
chống lại quân Pháp. Muyara dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu. Nhưng
đó chỉ là những tia lửa đầu tiên của đám cháy khủng khiếp của cuộc chiến
tranh dân tộc ở Tây Ban Nha.
Thiên tiểu thuyết này bắt đầu từ giữa triều đại vua Saclơ đệ tứ của Tây
Ban Nha, giữa tuổi vào đời của Franxitxcô Gôya tại thành phố Saragốtxơ,
quê hương họa sĩ. Đây không phải là toàn bộ thân thế sự nghiệp của họa sĩ
thiên tài này, mà chỉ miêu tả một khoảng đời có ý nghĩa trong cả cuộc đời
Gôya, và trong khoảng đời được giới hạn ấy, lại chỉ giới hạn trong việc
miêu tả tấm tình yêu đầy nghịch cảnh giữa họa sĩ với nữ Công tước Anbơ,
một tấm tình yêu giữa hai con người có tính cách gần như đối lập, họ vừa
thông hiểu vừa không thông hiểu nhau, vừa kiêu hãnh lạnh lùng, lại vừa
nồng nàn say đắm, mối tình của thế kỷ ấy - như người đời sau thường gọi -
hẳn đã có ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp bất tử của họa sĩ.
MẠC MẠC