Đừng dại hỏi về quá khứ, để rồi đi ghen với tình cũ của người ta. Chẳng ai
so sánh lại với những điều đã qua, chẳng ai cạnh tranh nổi với một ảo ảnh,
có hiểu không? Hoài công...
Mọi so sánh đều chỉ là khập khiễng, chẳng có bất kỳ một thứ gì hơn hoặc
kém thứ khác. Bởi đặt trên những hệ quy chiếu khác nhau, có khi, thứ đang
nắm rõ phần cán cân nghiêng về phía mình, bỗng chốc, vẫn có thể nhẹ hẫng
và trở nên vô chừng là mông lung. Hồi nhỏ, cô giáo hay hỏi đùa một ký sắt
thép và một ký hoa cỏ may, bên nào nặng hơn? Câu trả lời, với những ai
thông minh thạo số, đã quá rõ ràng, là bằng nhau – hiển nhiên! Nhưng với
những ai phải đeo mang quá nhiều những chất chứa nặng nề trong lòng, hẳn
họ sẽ thấy hoa cỏ may dường như xốp mềm dễ chịu, và nhẹ nhàng hơn-rất-
nhiều.
Có điều, nói thì dễ...
Dẫu biết khập khiễng, người ta vẫn cứ muôn đời so sánh, để rồi cuối cùng
chỉ nhận về một kết quả tất yếu là bi kịch. Bao cuộc tình kết thúc chỉ bởi
một trong hai hiểu ra “Mình không là duy nhất”, bao nỗi buồn bắt đầu cũng
từ một sự thật “Người yêu kẻ ấy nhiều hơn ta”. Thật ra, chẳng ai trách lỗi
con tim bởi nó lạc nhịp và trót yêu nhiều hơn một người, nhưng nếu đừng
so sánh rồi phân chia rạch ròi tình yêu nào khắc cốt ghi tâm, tình yêu nào
thoáng qua say nắng... thì hẳn chúng ta sẽ không phải nhân danh tình yêu
mà gây khổ cho nhau thế này.
Giả dụ ngày xưa, các hoàng đế chí tôn đừng sủng ái riêng một quý phi nào,
hẳn chẳng có bi kịch tranh giành nào diễn ra. Nhưng vấn đề là, ngày chỉ có
duy nhất một Mặt trời, đêm chỉ có duy nhất một Mặt trăng, nên ngôi cao
chín bệ cũng chỉ có riêng một Hoàng thượng và một Hoàng hậu. Đấy, chính
vì cái vị thế cao nhất, cao không chỉ ở trên điện vàng, mà cao ở cả trong
lòng nhau, khiến con người ta lao đao cả trăm bận ngàn lần. Cuối cùng,
cũng chỉ để tìm lời đáp cho câu hỏi muôn thuở: Yêu ai nhiều hơn?