- 56 -
Đại Đường Tây Vực Ký
1. Nước Ô Trượng Na
2. Nước Bát Lộ La
3. Nước Đản Hựu Thỉ La
4. Nước Tân Ha Bổ La
5. Nước Ô Sách Thi
6. Nước Ca Thấp Di La.
7. Nước Bán Nô Sai
8. Nước Yết Na Phược Bổ La
Nước Ô Trượng Na chu vi năm ngàn dặm, núi non tiếp xúc với sông
ngòi liên tục với nhau, tạo thành bình nguyên, cấy lúa trồng trọt nhưng
đất đai không phì nhiêu. Nho rất nhiều nhưng mía ít. Thổ sản là nghệ.
Có nhiều khoáng sản như: vàng bạc. Cây trái hoa quả rất nhiều. Gió
mưa nóng lạnh điều hoà cho nên tánh tình phong tục của con người ở đó
cũng thuần hậu, thích học hỏi nhưng chẳng tha thiết. Lấy chú thuật làm
nghề nghiệp. Y phục đa phần làm bằng lông cừu trắng, nhưng không
nhiều. Ngôn ngữ tuy khác nhưng đại để giống tiếng Ấn Độ. Chữ viết lễ
nghĩa, phép tắc đều lấy Phật Pháp tôn sùng, tu theo Giáo Lý Đại Thừa.
Có sông Lai Tô Bà Phạt Tốt Đổ. Ngày xưa có một ngàn bốn trăm ngôi
Già Lam, hầu hết bị hoang phế. Trước đây, Tăng tín đồ khoảng 18 ngàn
người, bây giờ giảm thiểu rất nhiều. Họ tu theo Đại Thừa, lấy Thiền
định làm sự nghiệp. Thích tụng kinh văn, nhưng ít thấu hiểu nghĩa sâu.
Giới hạnh tinh khiết, đặc biệt ưa chú thuật. Luật nghi truyền dạy gồm
có năm bộ
1. Pháp Mật Bộ
2. Hoá Địa Bộ
3. Ẩm Quang Bộ
4. Nhất Thiết Hữu Bộ
5. Đại Chúng Bộ.
Đền thờ có hơn mười ngôi. Ngoại đạo ở hổn tạp. Cách thành nầy bốn
dặm rưỡi, nhà Vua còn trị vì một thành khác tên là Tào Yết Phấn. Chu vi
của thành mười sáu dặm bảy. Có người cư ngụ nơi đây. Từ phía thành
Tào Yết Phấn cách phía đông bốn dặm rưỡi, có một Bảo Tháp rất thiêng
liêng, ghi lại nơi Phật ngày xưa là tiên nhân tu nhẫn nhục. Nơi đây là nơi
mà thân thể Vua Ca Lợi bị tổn hại.