công nhật là mấy. Như thế là nhân dân Ai-rơ-len bị trói buộc vào cảnh nghèo khổ trầm trọng
mà trong quan hệ xã hội hiện tại, họ khó lòng thoát khỏi. Người Ai-rơ-len sống trong những
túp lều bằng đất sét tồi tàn, cùng lắm chỉ đáng cho súc vật ở, và mùa đông vất vả lắm họ mới
sống qua được trót lọt; đúng như bản báo cáo trên đã nói, trong một năm, có 30 tuần lễ họ có
khoai tây để ăn lửng dạ, còn 22 tuần lễ nữa thì chẳng có gì ăn. Đến mùa xuân, khi khoai dự
trữ đã ăn hết hoặc đã mọc mầm không thể ăn được nữa, người vợ bèn dắt con và xách ấm
nước đi ăn mày; trong khi ấy, người chồng ở nhà sau khi đã trồng khoai tây xong thì đi kiếm
việc làm ở nơi nào gần đấy hay ở Anh đến vụ dỡ khoai tây mới quay về với gia đình. Chín
phần mười cư dân các vùng nông thôn Ai-rơ-len sống như thế đấy. Những con người ấy
nghèo xơ xác như những con chuột nhà thờ, mặc rách tả tơi và ở vào trình độ phát triển thấp
nhất chỉ có thể có ở một nước nửa văn minh. Theo bản báo cáo đã trích dẫn trên, trong số 8
triệu rưỡi cư dân, có tới 585 nghìn chủ gia đình phải sống trong cảnh nghèo khổ hoàn toàn
(destitution) còn theo những tư liệu khác mà ông tỉnh trưởng A-li-xơn dẫn ra
2)
, thì ở Ai-rơ-
len có tới 2 triệu 30 vạn người hết cách sống, nếu không có xã hội hoặc tư nhân cứu tế; nói
cách khác, có 27 % cư dân bần cùng.
Nguyên nhân của sự bần cùng ấy là ở trong các quan hệ xã hội hiện tại, nhất là ở trong sự
cạnh tranh diễn ra ở đây theo một hình thức khác, tức hình thức chia nhỏ ruộng đất. Người ta
đã từng mưu toan tìm những nguyên nhân khác. Người ta cho nguyên nhân của bần cùng là
do quan hệ đặc biệt giữa tá điền và địa chủ, người địa chủ cho những tá điền lớn thuê những
khoảnh đất lớn, những tá điền lớn này lại đem chia đất ấy thành những mảnh nhỏ cho các tá
điền nhỏ thuê, những tá điền nhỏ chia nhỏ đất ra cho người thứ ba thuê, cứ như thế mãi, v.v..
Thành thử giữa địa chủ và người thực tế canh tác có khi có tới chục người trung gian. Người
ta cho rằng nguyên nhân của nghèo khổ là cái đạo luật thật sự ô nhục, căn cứ vào đó thì khi
người tá điền trực tiếp không nộp địa tô, địa chủ có quyền đuổi người thực tế canh tác mặc
dù người này đã nộp địa tô cho người trung gian đã cùng anh ta ký hợp đồng. Nhưng những
điều kể trên chỉ quyết định hình thức biểu hiện sự nghèo khổ mà thôi. Giả sử bản thân anh tá
điền nhỏ biến thành người sở hữu ruộng đất thì kết quả sẽ ra sao? Đại đa số, dù không phải
nộp địa tô cũng không thể nào dựa vào mảnh đất nhỏ của họ mà sống được, và nếu như tình
hình có được cải thiện tốt hơn chăng nữa, thì chỉ vài năm sau nhân khẩu tăng lên nhanh
không ngừng sẽ khiến tình hình trở lại như cũ. Những người gặp được hoàn cảnh tốt sẽ nuôi
sống được con cái họ, những đứa trẻ mà ngày nay đang chết yểu từ lúc còn thơ ấu do nghèo
đói và thiếu thốn. Cũng có người nói rằng sự nghèo khổ ấy là do sự áp bức vô sỉ của người
Anh đối với nhân dân Ai-rơ-len. Cố nhiên ách áp bức ấy có thể làm cho nạn bần cùng đến
nhanh hơn, nhưng nó không phải là nguyên nhân gây nên bần cùng. Lại có người nêu nguyên
nhân là ở Giáo hội quốc giáo tin lành mà nếu đem chia cho nhân dân Ai-rơ-len tất cả các thứ
mà Giáo hội quốc giáo đã lấy của họ thì mỗi người không được tới hai ta-le; ngoài ra thuế
thập phân, mặc dù các tá điền phải nộp, chính không phải đánh vào tá điền mà đánh vào kẻ
sở