trái đất này không phải cái chết mà là sự sống, không phải bạo tàn mà tự
do", "mở ra thời đại của sự giàu có vô tận và những khả năng cho tất cả
mọi người".
Người ta đã nghĩ như thế và viết như thế trong những năm đầu sau chiến
tranh thế giới thứ hai. Và không phải chỉ ở Mỹ, mà cả ở Nga.
Những người sáng tạo ra vũ khí hạt nhân ở Nga ngày hôm nay vẫn vui
sướng nhớ lại công việc mình đã làm, tự hào rằng họ đã nghĩ ra và thử
nghiệm một sản phẩm tuyệt vời như thế nào. Họ tự hào không phải chỉ vì
đã hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao cho. Họ còn có niềm tự hào riêng
của nhà bác học đã giải được một loạt bài toán khó. Trong số họ có cả
những nhà lãng mạn chủ nghĩa coi việc hoàn thành công việc của họ là một
bước của con người vươn tới các vì sao.
Stalin giao cho Beria lãnh đạo ủy ban quốc gia về tiến hành thử bom
nguyên tử.
Ngày 29/8/1949, Liên Xô tiến hành thử quả bom nguyên tử đầu tiên. Có
mặt tại cuộc thử, Beria cũng hồi hộp lo lắng như mọi người khác, vì hiểu
rằng nếu thất bại đầu ông ta cũng có thể bay.
Khi Beria mừng rỡ chạy đi gọi điện về Matxcơva, thì ở đầu dây kia
Stalin giọng ngái ngủ chỉ trả lời gọn lỏn:
"Tôi đã biết rồi". Và bỏ ống nghe xuống.
Trung ương Đảng và Hội đồng Dân ủy ra một nghị quyết đặc biệt tuyên
dương công trạng Beria "vì công tác tổ chức sản xuất năng lượng nguyên tử
và thử thành công vũ khí nguyên tử". Beria được nhận Huân chương Lênin
và giải thưởng Stalin hạng nhất.