Năm 1960, Khruschov - lúc đó là Tổng Bí thư - có giao cho Chủ tịch Xô
viết tối cao Voroshilov gọi Vassili (con trai Stalin) lên nhắc nhở về chuyện
nghiện rượu.
Voroshilov đã nói chuyện trên tình cha chú với Vassili, và vẫn còn nhắc
lại: "Trong mấy năm cuối, cha cháu có nhiều cái rất lạ: hỏi bác quan hệ với
bọn Anh hồi này thế nào? Cha cháu coi bác là gián điệp của Anh".
Stalin mà sống thêm ít nữa, rất có thể Molotov và những người khác
cũng bị rơi vào danh sách xử bắn.
Nhưng trước nhất có lẽ sẽ là Beria. Trong đội ngũ thân cận của mình,
Stalin nể nhất Beria - con người cương quyết và mạo hiểm, không có ảo
tưởng hão huyền.
Stalin không chấp nhận quan hệ thân thiết giữa những người thân cận
của mình với nhau. Ông sai nghe trộm tất cả các nhà lãnh đạo cao cấp của
đất nước, cả Bộ trưởng An ninh. Một câu chuyện bất cẩn của ai đó cũng có
thể phải trả giá bằng công danh, thậm chí sinh mạng. Beria lại là người biết
điều đó hơn ai hết.
Mấy tháng trước khi chết, Stalin đã thay toàn bộ người phục vụ và bảo
vệ biệt thự ở Volynski ngoại ô Matxcơva (nơi Stalin ở những tháng cuối đời
- ND). Lúc đó ông mới yên tâm được rằng những người bảo vệ ông không
dính dáng gì với Beria hay bất kỳ ai trong lãnh đạo trước đó của Bộ An
ninh. Ông thay Bộ trưởng Abacumov bằng Ignatiev - một cán bộ Đảng
trước đó không dính dáng gì đến bộ máy an ninh.
"Vụ các bác sĩ" là bộ phận của một kế hoạch to lớn nhằm tiến hành vài
vụ xét xử mà trong đó các bị cáo tự thú nhận tội khủng bố và gián điệp cho
đế quốc. Tuy nhiên, việc xét xử vụ ủy ban Do Thái chống phát xít Bộ An
ninh quốc gia đã phải tiến hành không công khai, vì các bị cáo không chịu
nhận mình là gián điệp. Đó là vào năm 1952.
Các bị cáo là người Do Thái: nữ Viện sĩ Lina Stern, diễn viên Veniamin
Zuskin, các nhà văn Perets Markish, Lev Kvitko, David Gofsten, bác sĩ
trưởng của bệnh viện Botkin - B.Shimeliovich, nguyên ủy viên Trung ương
Đảng Bônsêvich Nga Solomon Lozovski...