tưởng hệ.
Khác với các Chủ tịch KGB trước ông và nhất là sau ông, Semichastnyi
chỉ giữ có bốn Phó Chủ tịch. Ông giải thích:
- Anh sử dụng được bao nhiêu phó thì chỉ nên giữ chừng ấy. Nếu không,
họ không thể giúp anh một cách đắc lực được. Khi người ta cần gặp, anh
phải tiếp người ta, chứ phải chờ hoặc phải lên chương trình thì còn gì là
phó nữa? Làm việc với một Phó Chủ tịch là phải hàng nửa tiếng, một tiếng,
không thể dăm ba phút được, có khi họ còn đi cùng với các Cục trưởng có
liên quan đến công việc. Nếu anh có đến tám , chín Phó Chủ tịch thì phải
phân lịch họp với họ cả tuần à?
Semichastnyi kể rằng ông có ấn tượng rất tốt về đội ngũ cán bộ An ninh
Liên Xô. Đấy là những người đã qua tuyển chọn và sàng lọc nhiều lần. Cơ
quan an ninh chọn trong hàng trăm người mới lấy được vài ba người. Do
đó mà có một đội ngũ thành thục. Đấy là những người tài mà đáng lẽ có thể
trở thành Bộ trưởng, nhà bác học, nhà văn nếu đi theo thiên hướng của họ.
Sau khi trở thành Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng, Khruschov mỗi năm
ký lệnh phong hàm tướng cho khoảng chục người trong ngành an ninh.
Nhưng kể từ năm 1961, ông không phong hàm tướng cho sĩ quan an ninh
nữa. Nhiều Chủ tịch KGB của các nước cộng hoà chỉ Đại tá, trong khi Bộ
trưởng Nội vụ các nước cộng hoà ít nhất là Thiếu tướng. Semichastnyi một
đôi lần trình bày với Khruschov về việc này để tạo thuận lợi cho công tác.
Khruschov bảo: "Không sao, các cậu sẽ khắc phục được thôi". Một lần
khác, Semichastnyi lại đề nghị việc này với Khruschov. Khruschov cắt
ngang: "Thôi, ta đi ăn cơm đi". Và sang phòng ăn của Bộ Chính trị ở
Kremli. Bước vào phòng ăn, Khruschov nói to lên với mọi người đang ngồi
ăn:
- Chủ tịch KGB vừa đến gặp tôi đề nghị phong quân hàm tướng. Tôi chỉ
có thể tặng cho anh ta cái quần Trung tướng của tôi. Nhưng mà anh ta mặc
vào thì sẽ phải chui cả người vào mới vừa.
Mọi người phá lên cười. Còn Semichastnyi thì bào chữa:
- Nikita Sergeevich, nhưng mà tôi có xin cho mình đâu.