Các cửa hàng trống rỗng. Thực phẩm trong cửa hàng giao tế được bán
bằng ngoại tệ, bằng cả đồ trang sức bằng vàng. Nạn đói năm 1932 - 1933
đã làm chết hàng triệu người.
Về mặt chính trị, cuộc khủng hoảng đó dẫn đến việc uy tín của phái
"hữu" tăng lên - có nghĩa là những người trong ban lãnh đạo chủ trương
chính sách ôn hòa hơn đối với nông thôn. Đó là Chủ tịch Chính phủ A.I.
Rykov, nhà tư tưởng của Đảng N.I. Bukharin và nguyên lãnh tụ Công đoàn
M.P.Tomski. Cuộc thanh lọc vẫn tiếp tục diễn ra: từ 1929 đến 1931 đã khai
trừ khỏi Đảng 250 nghìn người. Trong Bộ Chính trị, đa số vẫn rất tín nhiệm
những người "hữu khuynh", do đó không phải lúc nào cũng xử lý tình hình
như Stalin mong muốn. Đặc biệt Stalin rất khó bác lại Rykov - một người
có phẩm chất, một nhà quản lý tài năng, hoàn toàn có thể tranh vị trí lãnh
đạo cao nhất.
Cũng như với tất cả các đối thủ cạnh tranh khác, Stalin đã xử lý với
Rykov bằng sự trợ giúp của cơ quan an ninh.
Menjinski nói với Chicherin - dân ủy ngoại giao:
"Ủy ban đặc biệt có nghĩa vụ phải biết tất cả những gì xảy ra trong nước,
từ Bộ Chính trị đến ủy ban nhân dân xã. Và bộ máy của chúng tôi đã phấn
đấu để đạt được việc hoàn thành nhiệm vụ đó".
Menjinski có lý do để tự hào về công tác của mình.
Sau 8 năm, ông đã thành lập được một hệ thống cơ quan an ninh tỏa rộng
khắp đất nước, đã đè bẹp được các cuộc nổi dậy của người dân trong thời
kỳ tập thể hóa, đã tiến hành xét xử một số vụ án gây tiếng vang đối với
những tên "phá hoại" nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và thành lập một mạng
lưới tình báo khá mạnh ở nước ngoài.
Khác với người tiền nhiệm của mình, Menjinski hiểu rằng cơ quan an
ninh cần phải phục vụ đích thân Tổng Bí thư. Dưới thời Menjinski, việc đề
bạt cán bộ lãnh đạo cao cấp của Ủy ban đặc biệt do cơ quan Đảng phê
duyệt.
Các cán bộ làm công tác an ninh cũng được sàng lọc như đảng viên. Đầu
thời kỳ tập thể hóa, còn không đủ cán bộ an ninh để bao quát nông thôn.
Cuối thời Menjinski, bộ máy an ninh đã tỏa xuống tận xã.