ĐÁNH GIÁ
Học thuyết của Jung bị chỉ trích về một số điểm khác cụ thể, kể cả quan
niệm của ông về vô thức tập thể, nguồn gốc của chính học thuyết, không có
các quan niệm phát triển đầy đủ, và một khuynh hướng chung thiên về sự
vật hóa. Ở đây, chúng ta sẽ xem xét lần lượt từng điểm này.
Trong tất cả các quan niệm của Jung, vô thức tập thể và các nguyên mẫu
được hợp nhất, gây nhiều tranh luận nhất và bị chỉ trích nhiều nhất. Các nhà
phê bình (xem Glover 1950 ; Munroe 1955) thường nêu lên ba điểm chủ
yếu: (1) thật khó tin rằng các ý niệm, kiến thức, các đặc điểm nhân cách, và
những điều tương tự có thể được di truyền; (2) các nguyên mẫu không tuân
theo cuộc điều tra nghiên cứu khoa học, và kết quả là không có hay không
thể có bằng chứng nào cho thấy các nguyên mẫu hiện hữu; và (3) hành vi
được quy cho các nguyên mẫu có thể được giải thích đầy đủ về mặt các
quan niệm khác. Hai điểm đầu tiên đã được giải đáp một phần. Chúng ta đã
lưu ý trước đó, Jung không hoàn toàn mặc nhiên công nhận một cách cụ thể
sự thừa kế trực tiếp về mặt thông tin hay các ký ức nhưng chỉ công nhận sự
thừa kế các bản chất bẩm sinh. Mặc dù không được chứng minh một cách
thuyết phục, di sản của các khuynh hướng hay các bản chất bẩm sinh vẫn
phù hợp với học thuyết và sự nghiên cứu di truyền hiện thời hơn là phù hợp
với sự kế thừa các ký ức hay kiến thức. Trong các năm gần đây, chúng ta
mới biết rằng di truyền do một chuỗi các gốc trong phân tử DNA kiểm soát
một phần lớn hay một cách hoàn toàn. Dù đã đạt được nhiều tiến bộ có ý
nghĩa, nhưng chúng ta mới chỉ chọc một lỗ nhìn nhỏ xíu qua đó để quan sát
những điều bí ẩn của sự di truyền hóa sinh phức tạp. Ngoài ra, các nghiên
cứu đã cho thấy rằng RNA, một chất có liên quan chặt chẽ với DNA, có
khả năng lưu trữ những thông tin thuộc sinh hóa học (xem Eigen 1966).
Lúc đó ai sẽ nói dứt khoát rằng các bản chất bẩm sinh phức tạp của vô thức
tập thể – hay ngay cả ký ức – không thể được di truyền? Điểm thứ hai là,
các nguyên mẫu không tuân theo sự nghiên cứu thực nghiệm, chắc chắn đó
là một cuộc nghiên cứu có giá trị hơn, vì khoa học có tiếng là khó xử lý các
quan niệm bị tách xa khỏi hoạt động thực tiễn có thể quan sát trực tiếp.