củng cố tích cực khi phản ứng được huấn luyện tiếp tục dùng để xóa bỏ
kích thích đối kháng.
Skinner (1971) đã lưu ý là trên một bình diện xã hội rộng lớn hơn có
nhiều ví dụ về các hậu quả khác nhau của những loại củng cố khác nhau. Ví
dụ, hành vi phạm tội được xử lý một cách điển hình sau khi nó xảy ra và sử
dụng hình phạt bằng cách bỏ tù. Sự trừng phạt có thể ngăn chặn tạm thời
hành vi của phạm nhân bằng cách gây ra sự sợ hãi, nhưng xóa bỏ hình phạt
bằng cách tha ra khỏi nhà giam làm giảm bớt sự sợ hãi và có thể làm cho
hành vi phạm tội có cơ hội tái diễn. Skinner đã đề nghị là, nếu hành vi
phạm tội cần phải được xử lý, cách xử lý tốt hơn là phục hồi các củng cố
tích cực. Tuy nhiên, câu trả lời còn tốt hơn nữa là ngăn ngừa tội ác qua hệ
thống củng cố tích cực của các hành vi không phạm tội, những hành vi xã
hội hằng mong đợi, đưa chúng ta tới gần hơn với ý tưởng về một xã hội
không tưởng.
Các kết quả của một số nghiên cứu đưa ra có thể cần phải xem xét lại
quan điểm của Skinner về tính vô hiệu tương đối của sự trừng phạt. Ví dụ
Holz và Azrin (1963) đã so sánh các phương pháp truyền thống của việc
giảm bớt tần số các phản ứng có hiệu lực. Họ đã kết luận là sự trừng phạt
thực sự có thể có hiệu quả hơn các phương pháp khác mà họ đã sử dụng.
Tổng quát hơn, Azrin và Holz (1966) đã kết luận là sự trừng phạt có thể rất
có hiệu quả trong các tình huống đặc trưng, những tình huống mà trong đó
các kích thích trừng phạt mãnh liệt, thường xuyên, ngay lập tức, và không
thể tránh được, cần phải tránh việc kéo dài thời gian trừng phạt, và củng cố
tích cực không nên kèm theo sự kích thích trừng phạt. Trong tình huống
này và cộng thêm các điều kiện cụ thể, họ tin rằng sự trừng phạt có thể có
hiệu quả bằng hoặc hơn các phương pháp giảm bớt phản ứng khác. Thế
nhưng, câu trả lời xác định về tính hiệu quả khác nhau của các loại tác nhân
củng cố khác nhau vẫn chưa có thể tìm ra.