Nhiều ngày, nhiều tháng, rồi nhiều năm trôi qua, Hachiko vẫn có mặt
đều đặn ở nhà ga vào lúc 3h chiều, mặc dù nó đã bị bệnh viêm khớp và đã
quá già yếu rồi. Cuối cùng vào ngày 7 tháng 3 năm 1934, gần 10 năm kể từ
ngày nó nhìn thấy chủ nhân lần cuối cùng, người ta tìm thấy Hachiko - lúc
đó đã 12 tuổi - nằm gục chết tại chính cái nơi mà nó đã đứng đợi chủ nhân
của mình trong suốt nhiều năm.
Cái chết của Hachiko được đăng lên trang nhất của rất nhiều tờ báo
lúc bấy giờ và người đã dành hẳn một ngày để để tang Hachiko. Từ số tiền
đóng góp của dân chúng trong cả nước, người ta đã thuê nhà điêu khắc
Ando Teru để làm một bức tượng Hachiko bằng đồng. Vào tháng 4 năm
1934, bức tượng được hoàn thành và được đặt trang trọng ở bên trong sân
ga, tại chính vị trí nó đã đứng đợi chủ nhân trong gần 10 năm.
Tuy nhiên, vài năm sau đó, Nhật Bản lâm vào chiến tranh, tất cả
những thứ gì là kim loại đều bị lấy đi để làm vũ khí, không ngoại trừ bức
tượng Hachiko. Sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1948, con trai của
Ando Teru là Takeshi đã làm một bức tượng Hachiko mới. Bức tượng đó
được đặt ở ga Shibuya cho đến tận ngày hôm nay.
Bên cạnh mộ của giáo sư Ueno tại nghĩa trang Aoyama cũng có đặt
một bức tượng của Hachiko. Có nhiều tin đồn rằng xương của Hachiko
cũng được chôn tại đó. Nhưng thực ra bộ xương của Hachiko hiện đang
được trưng bày tại Viện Bảo tàng Quốc Gia.
Còn tại nhà ga Shibuya, chú chó trung thành Hachiko vẫn đứng đó,
mãi mãi chờ đợi chủ nhân của mình. Nơi đó, ngày nay còn được biết đến
như một điểm hẹn ở Shibuya, nơi người ta đến đó và ngồi đợi bạn của
mình.