- Anh ngồi ngay sau lưng họ nên anh thấy rõ. Ba anh nhạc sĩ nói nhỏ
với nhau và đều chê vở kịch họ chỉ cho điểm mười sáu mười bảy. Nhưng
Sáu Oanh lại "quất" điểm mười chín! Mai đi làm em hỏi coi bảng điểm là
thấy liền chớ gì... Ở dưới khán giả anh cũng nghe nhiều người xầm xì rằng
vở kịch đó được chiếu cố vì tác giả của nó không phải là anh công nhân
đứng tên mà chính là của Sáu Oanh...
- Có thật vậy không?
- Anh làm sao biết được!
- Em phải hỏi cho ra vụ này...
Tư Thanh cười:
- Thế còn tình bạn giữa em và Sáu Oanh thì sao?
- Nó ỷ có chú Tám đỡ đầu ỷ là bạn thuở nhỏ của em mà làm nhiều điều
không hay em chịu hết nổi rồi...
- Anh cũng nói thiệt đã tới lúc em phải mạnh dạn lên phải thoát khỏi
ảnh hưởng của chú Tám mới được...
- Vâng... em sẽ cố gắng...
***
Út Minh không phải tốn nhiều công sức vẫn dễ dàng biết được sự thật vì
anh công nhân ở Phân xưởng Tiện người đứng tên tác giả tự biên vở kịch
ngắn chẳng có gì để giấu diếm:
- Vở kịch ấy đúng là của cô Sáu Oanh. Cô ấy đem xuống Phân xưởng
Tiện gặp tôi bảo tôi đứng tên để lấy điểm "tự biên" rồi cho anh chị em tập.
Tôi nghĩ ai đứng tên cũng được chẳng qua là thủ tục thôi nên tôi đã nhận
lời...
Sáu Oanh được mời lên. Đầu tiên cô ta chối bay biến nhưng tới khi Út
Minh thuật lại lời xác nhận của anh công nhân thì cô ta hỏi ngược lại Út
Minh:
- Nếu sự thật là như thế thì cũng có gì mà mày phải làm ầm ĩ lên? Tao
viết một vở kịch cho công nhân diễn mà cũng có tội nữa sao?
Út Minh nổi nóng:
- Vấn đề ở đây là sự dối trá! Các ban ngành đến dự đều phát biểu ý kiến
nên khuyến khích các tiết mục tự biên như vở kịch này nhất là nó lại do
chính công nhân viết ra. Nếu họ biết sự thật thì sao?