bảo vệ số 1 của Goo Dong Chi. Từ sau đó, gã đã giả vờ deleting và
giữ lại rất nhiều nhật ký, tài liệu và đồ đạc. Ở thế giới quanh các khách
hàng của Goo Dong Chi những vật này đã biến mất vĩnh viễn nên
không thể nói là gã không thực hiện deleting, nhưng như vậy cũng
không có nghĩa chúng đã biến mất trong thế giới của gã. Thế giới mà
chúng ta đang sống không chỉ có một, mà có hai. Đó là thế giới xung
quanh chúng ta, và thế giới mà chúng ta không biết đến. Chúng ta
càng mở rộng thế giới quanh mình thì thế giới mà chúng ta không biết
sẽ càng thu hẹp lại. Vậy nhưng, dù có cố gắng cỡ nào cái thế giới mà
chúng ta không hay biết, bằng cách nào đó, vẫn luôn tồn tại. Goo
Dong Chi nghĩ, thay vì xóa bỏ món đồ nào đó một cách tuyệt đối, đổi
vị trí của nó có lẽ sẽ tốt hơn cả. Việc xóa bỏ một món đồ nào đó ở cả
hai thế giới, gã gọi là full deleting, còn việc chuyển một món đồ từ thế
giới của khách hàng sang một thế giới mà họ không bao giờ biết tới,
gã gọi là half deleting. Chỉ riêng việc di chuyển đồ vật như vậy cũng
có thể coi là deleting rồi. Đứng trên lập trường của khách hàng, full
deleting hay half deleting cũng không thành vấn đề.
Ông nhà văn chuyển vào tài khoản của Goo Dong Chi một số tiền
lớn. Goo Dong Chi nhìn những con số trong tài khoản của mình một
lúc lâu. Một khoản tiền khó lòng tin nổi. Bằng số tiền ông nhà văn gửi,
Goo Dong Chi đã có được văn phòng hiện tại, và làm một tủ tài liệu
đồ sộ che kín cả một bên tường. Chiếc tủ tài liệu ấy, đối với Goo Dong
Chi, là một đồ vật có tính biểu tượng. Nó là thứ được trộm về từ một
thế giới khác và là thứ tuyệt đối không thể công khai. Nói cách khác,
nó cũng như chiếc hộp Pandora có thể mang đến tai ương cho những
thế giới khác. Nghe thật trớ trêu nhưng chính Goo Dong Chi cũng đã
ủy thác cho một thám tử khác làm việc deleting tủ tài liệu này của gã.
Nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra với Goo Dong Chi, ngay tức khắc,
thám tử kia sẽ hủy tủ đựng tài liệu ở văn phòng gã không để lại bất cứ
dấu vết gì.