ngôi sao của Lâm Bưu mỗi ngày một thêm sáng chói trên chính
trường Trung Cộng. Năm 1966 Lâm Bưu được bầu vào chức phó
chủ tịch cộng đảng Trung Hoa, và đến năm 1969 thì được chỉ
định làm người thừa kế Mao Trạch Đông. Như vậy vào lúc chết,
Lâm Bưu được kể là người có quyền lực mạnh thứ nhì tại lục địa
Trung Hoa, chỉ đứng sau một mình Mao Trạch Đông.
Thoạt đầu các tin tức về cái chết của Lâm Bưu được chính
quyền Trung Cộng giữ rất kín như một bí mật quốc gia. Ngay cả
các đảng viên cao cấp cũng không hề hay biết. Người ta chỉ nhận
thấy một dấu hiệu bất thường là mười viên tướng tư lệnh các
quân khu, được nhật lệnh của Bộ Chính Trị phải chuẩn bị đối
phó với một trường hợp khẩn cấp có thể xảy ra. Tuy nhiên nhật
lệnh ấy không hề giải thích lý do, và cũng không có dấu tích gì
liên hệ tới Lâm Bưu.
Trong những tuần lễ sau đó, dân chúng Trung Hoa vẫn tiếp
tục sùng kính Lâm Bưu, người thừa kế và là đồng chí thân cận
nhất của Mao Trạch Đông. Các khẩu hiệu của Lâm Bưu vẫn còn
treo nguyên vẹn bên cạnh các tư tưởng của Mao Trạch Đông,
ngay tại quảng trường Thiên An Môn. Tháng 10-1971, tờ Nhân
Dân nhật báo, cơ quan thông tin chính thức của nhà nước
Trung Cộng, vẫn đăng hình Lâm Bưu và Mao Trạch Đông đứng
cạnh nhau, trông vẫn thân mật như trước.
Nhưng trong lúc hình ảnh của Lâm Bưu vẫn tiếp tục hiện
diện trước công chúng thì Lâm Bưu đã không còn nữa. Hàng
năm Lâm Bưu vẫn xuất hiện cạnh Mao Trạch Đông trước quảng
trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh trong ngày lễ quốc khánh 1-
10. Nhưng buổi lễ quốc khánh thường niên đó của năm 1971
bỗng nhiên bị bãi bỏ. Để tránh sự thắc mắc của quần chúng,
chính quyền Bắc Kinh giải thích rằng một sự tập trung quá đông
người như vậy sẽ dễ trở thành mục tiêu bị tấn công bằng vũ khí
nguyên tử của Nga sô.