Mãi mấy tháng sau, các tin tức đầu tiên về cái chết của Lâm
Bưu mới bắt đầu được loan truyền một cách rất thận trọng,
bằng tài liệu tối mật: “Tội Ác Của Lâm Bưu” do Bộ Chính Trị
công bố. Nhưng chỉ một số ít đảng viên cao cấp mới được đọc tài
liệu này. Sau đó là việc cách chức một số tướng lãnh thân tín của
Lâm Bưu, như tham mưu trưởng Hoàng Vĩnh Thắng, tư lệnh
không quân Ngô Pháp Hiến, chính ủy hải quân Lý Tác Bằng, và
tư lệnh quân nhu Khâu Hộ Tác. Đến tháng 11-1971, một số sắc
lệnh được ban hành với mục đích thâu hồi mọi ấn phẩm và hình
ảnh của Lâm Bưu.
Mãi đến ngày 13-1-1972, các nhân vật cao cấp trong đảng và
nhà nước mới nhận được bản tin đầy đủ về cái chết của Lâm
Bưu. Theo bản tin này thì Lâm Bưu bị buộc vào tội âm mưu ám
sát Mao Trạch Đông, và chính Lâm Lập Quả, con trai Lâm Bưu,
được giao phó thi hành kế hoạch ám sát Mao. Khi công việc bại
lộ thì Lâm Bưu định trốn sang Nga Sô bằng phi cơ, nhưng Lâm
Bưu bị tử nạn khi phi cơ của Lâm Bưu rơi tại Mông Cổ.
Cuối cùng đến ngày 26-6-1972, nghĩa là gần mười tháng sau
khi Lâm Bưu chết, chính quyền Trung Cộng mới công bố đầy đủ
chi tiết về cái chết của Lâm Bưu bằng cuốn sách “Hồ Sơ Lâm
Bưu,” trong đó có những lời thú tội của thuộc hạ Lâm Bưu, và
các chứng cớ ghi âm, hoặc nhật ký và thư từ. Hồ sơ về cái chết
của Lâm Bưu được phân phát cho các đảng viên để họ công bố
cho dân chúng. Theo tập hồ sơ này thì Bộ Chính Trị của Trung
Cộng đã giải thích về cái chết của Lâm Bưu như sau đây:
Trong phiên họp toàn thể Ban chấp hành trung ương, diễn ra
ở Lư Sơn trong tháng 8 – tháng 9 năm 1970, người ta ghi nhận
có sự rạn nứt giữa Mao Trạch Đông và Lâm Bưu về việc kế vị
Mao. Lâm Bưu muốn phục hồi chức vụ Chủ tịch nhà nước – chức
vụ này Lưu Thiếu Kỳ đã đảm nhiệm sau khi Mao từ chức năm
1959. Khi Lưu Thiếu Kỳ bị thanh trừng, chức vụ này bị bãi bỏ.
Lâm Bưu muốn khôi phục chức vụ này và gợi ý rằng Mao lại