Ngụy biện đe dọa (argumentum ad
baculum)
Khi không thể dùng lý lẽ, hãy dùng roi. Ngụy biện đe dọa sử dụng quyền
lực như một công cụ để thuyết phục, và nó thường được những người sắp
sửa thua trong cuộc tranh luận sử dụng.
Sẽ tốt hơn nếu anh nói ra cái chúng tôi muốn biết. Rốt cuộc thì chúng ta
đâu có muốn bà mẹ già của anh hay cô em gái tàn tật của anh phải khổ sở
đúng không?
(Chắc chắn là không rồi.)
Sức mạnh mang tính đe dọa không nhất thiết phải ở dạng vũ lực. Ngụy biện
đe dọa xảy ra bất cứ khi nào có các hứa hẹn về những hậu quả không dễ
chịu nếu không làm theo ý muốn của người nói. (“Nếu anh không lấy cho
chúng tôi các kế hoạch chế tạo tên lửa mới, tôi tiếc rằng tôi sẽ phải gửi
những tấm hình này cho các báo.”)
Ngụy biện đe dọa sử dụng những tư liệu không liên quan. Nói cho đúng, nó
bỏ mặc lập luận lại và dùng sức mạnh như cách thức để thuyết phục. Dù
sức mạnh, không nghi ngờ gì, đôi khi rất hiệu quả để lịch sự hướng sự chú
ý đến ý muốn của người nói, một khi sử dụng nó, bạn đã thất bại và phá
hoại phương pháp lý luận.
Than ôi, kỹ thuật đe dọa lại luôn diễn ra trên các sân khấu quan hệ quốc tế.
Những nước hùng mạnh khi thất bại trong đối thoại hợp lý chọn cách sử
dụng kỹ thuật đe dọa để gây ảnh hưởng lên các cuộc đối thoại. Ngay cả khi
cách này thất bại, họ lại sử dụng cái gì đó lớn hơn một chút.