Lời bạt của
nhà văn Nguyễn Đông Thức
Một truyện giải trí đúng nghĩa!
Với một đoạn kết hóa giải thật tài tình, cái máy ăn của Stine bỗng mất
hẳn chất… kinh dị. Thì ra, chuyện cậu bé Sam Kinny đang từ rất khảnh ăn,
chỉ ăn, uống những thức ăn, đồ uống màu trắng, bỗng chuyển qua ăn tạp còn
hơn một con heo (ăn cả hồ dán, thức ăn cho chó, bọ chét, lá cây, hoa cúc,
đất, giun…) là có lý do của nó. Lý do ấy rất dễ hiểu chứ không phải như cậu
nghĩ là do bị bùa chú của cô Sylvie giấu trong món bánh pút đinh để rồi từ
đó phát sinh hàng lô hàng lốc chuyện khủng khiếp cho cậu: mọi món ăn bình
thường vào miệng cậu trở thành chua loét; cậu gây ra điện giật người khác,
cậu nói rất nhanh rồi không thể nói ra điều muốn nói; máu của cậu màu xanh
chứ không phải màu đỏ…
Thì ra, cậu chỉ là một con búp bê rô bốt, ăn một món lạ khác với lập
trình gài sẵn, các con chíp điện tử trong người cậu bị rối loạn, hư hỏng, dẫn
đến hàng loạt chuyện làm người đọc vừa ngạc nhiên, vừa căng thẳng, buộc
phải theo dõi một mạch cho đến hết truyện – một thủ thuật cao cường quen
thuộc của Stine trong xây dựng cốt truyện và bố cục. Cái điều bí mật nhất
chỉ hiện ra trong mấy trang chót.
Dường như Stine không để lại một thông điệp ngầm nào trong Cái máy
ăn hoặc nếu có thì cũng chẳng là bao. Một truyện giải trí đúng nghĩa! Chỉ
mong với những tác dụng bất ngờ có thể có của mọi cuốn sách, một cậu bé
khảnh ăn nào đó (như con trai tôi chẳng hạn) sau khi đọc xong cái máy ăn sẽ
nhận ra mình chính là một đứa trẻ không hoàn toàn bình thường! Mọi đứa
trẻ bình thường như Kevin, Lissa… trong truyện đều sẵn sàng ăn mọi thứ
trên đời, và như vậy, chúng sẽ không dễ gặp bất cứ rủi ro nào khi lâm vào
hoàn cảnh buộc phải ăn một món ăn lạ ngoài thực đơn hàng ngày.
Hãy sống dễ chịu hơn đi nào!