nhóm Cần Vương, trảm tặc nghĩa sĩ quân v.v… quyết tâm mở ách bứt xiềng
cho con Hồng cháu Lạc. Ở Bến Tre thì có Phan Tôn, Phan Liêm, Lê Tấn Kế
dấy binh tại Ba Tri, Giồng Trôm, Định Tường thì Thiên Hộ Dương, Nguyễn
Hữu Huân dàn mặt trận Đồng Tháp, Gò Công thì Trương Định vẫy vùng
nơi đám lá tối trời vùng Lý Nhân, Tân An vàm sông Nhật Tảo anh hùng
Nguyễn Trung Trực đốt tàu Pháp, Châu Đốc, Long Xuyên thì đức Cố Quản,
Bảy Thưa đều dấy binh đánh Pháp tại Láng Linh, Rạch Giá thì có Phó cơ
Nguyễn Hiền Diều, Lâm Quang Ky với võ khí thô sơ nhưng lòng dũng cảm
đã nêu cao thanh giá chiến sĩ miền Tây của thời quá khứ…
Riêng tỉnh Cần Thơ, giặc Pháp khủng bố hoành hành khói lửa lan tràn
gây thảm họa cho dân chúng đứng ngồi không yên, lúc bấy giờ tại Trà
Niềng có một chàng trai trẻ tên Đinh Sâm cùng một số nghĩa quân xuất thân
trong đám nông dân nổi lên chống Pháp dàn trận tại Ba Xe Cầu Nhiếm,
(nay là quận Phong Điền mới vừa thành lập của tỉnh Phong Dinh).
Đây là quê hương của ông Lê Quang Chiểu, người có nhiều tiết tháo,
treo ấn từ quan quay về với tổ quốc, đứng lên phản đối bọn xâm lăng Pháp,
định đem ách nô lệ đặt lên cổ người dân Việt.
Nơi vùng nầy lại còn một di tích là ngôi mộ của nhà chí sĩ Phan Văn
Trị tức cụ Cử Trị gởi nắm xương tàn nơi quí địa, sử sách đã nêu danh.
Ngày nay nói đến Tây Đô của thời xưa mà không đề cập qua lãnh vực
vùng IV Chiến thuật, tìm hiểu những nét kiêu hùng của những người trai
thế hệ đang tiến thân trên con đường phụng sự cho đất nước dân tộc là một
điều khiếm khuyết đối với lịch sử mai sau.