Ông Nguyễn Tấn Thời tình nguyện lên non tìm kiếm. Quả nhiên, bộ lư
thau chễm chệ phơi mình nơi chùa Ba Chúc. Ông Thời lập tức trở về thuật
rõ cho ban trị sự hay.
Quí ông Dương Văn Ngôn, Âu Cẩm Xình, Lâm Tri Ân, Phan Văn Tri,
Hoàng Minh Châu thẳng lên núi Tượng điều đình. Các vị sư trong chùa Ba
Chúc nghe chuyện đều nói : « Mô Phật ! Bần đạo những ngỡ đồ của thiện
tín có lòng thành dâng cúng cho nhà chùa, dè đâu vật báu của đình thần thất
lạc. Nếu thế, chư quí vị an lòng, bần đạo sẽ cho người vận chuyển hoàn lại
ngay ».
Rồi đó các vị sư chùa Ba Chúc đích thân chở bộ lư thau xuống tận đình
Long Tuyền. Ai nấy đều cảm khích. Nhân dân trong vùng càng đặt thêm
niềm tin tưởng và tôn kính linh thần.
Bộ lư đem về đình còn thiếu một chân con rồng. Ban trị sự chỉnh đốn
lại xong, rước quí vị ở chùa Ba Chúc xuống tại đình để tỏ lòng tri ân. Các
nghĩa cử đẹp làm đẹp thêm nơi tôn nghiêm kính cẩn.
Trong thời gian mất bộ lư thau chưa tìm lại được, có ông Lưu Chánh
Lợi, thương gia ở trong làng, nguyện với linh thần làm ăn phát tài nên có
cúng một bộ lư thau khác to hơn. Đến nay tìm lại được bộ lư xưa, thành ra
trong đình hiện giờ có đến hai bộ lư thau quí giá.
Có thể nói trong các ngôi đình làng trên lãnh thổ nước nhà, đình Long
Tuyền đứng vào hàng cổ kính mỹ quan đáng ngợi. Chúng tôi hân hạnh tiếp
xúc với vị Chánh tổng Định Bảo là ông Nguyễn Trọng Quyền, nhận được
của ông nhiều tài liệu về lịch sử đình Long Tuyền mà thuật lại nơi đây,
muôn vàn cảm tạ thạnh tình quí ông đã vừa giúp chúng tôi trong công cuộc
sưu khảo để hoàn thành quyển sách nầy.
Ngày nay du khách viếng Cần Thơ, nếu lòng hâm mộ quê hương của
cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, dời gót về chơi Bình Thủy, có dịp chiêm
ngưỡng đình thần, sẽ nhận thấy những lời chúng tôi ca tụng vẻ mỹ quan là