Trải mấy năm biến loạn 1945-46, quân viễn chinh Pháp chiếm đóng
đình thần làm căn cứ. Sắc thần đem về chùa Nam Nhã tạm thờ. Cho đến
năm 1955 đình thần mới khôi phục lại vẻ tôn nghiêm, rước sắc thần từ chùa
Nam Nhã đem về thờ tại đình như cũ. Ban trị sự bấy giờ hoạt động rất đắc
lực, gồm có quí ông : Dương Văn Ngôn, Lâm Tri Ân, Phan Văn Tri, Âu
Cẩm Xình.
Ban tế sự trên đình thì do vị chánh bái Lê Linh Ký, và bồi bái Võ Văn
Thình điều khiển, gồm có quí ông phụ tá : Nguyễn Văn Được, Nguyễn Đức
Hàm, Nguyễn Kim Chi, Võ Công An, Trương Phước Tấn và Trần Ngọc
Thọ.
Lại thêm một ban phụ nữ gồm có quí bà, quí cô : Ngô Thị Xưa,
Nguyễn Thị Mai, Trần Thị Nhạn, Lâm Thị Nhung.
Bắt đầu từ đây, đình thần được săn sóc hơn lên về mọi mặt. Mỗi năm
đến lễ kỳ yên, ba đêm hát bội hoặc hát tiều (Triều Châu) thu hút vô số
khách thập phương kéo về Bình Thủy, trước lễ thần sau xem hát, quang
cảnh náo nhiệt tưng bừng.
Kể về sự linh thiêng của vị bổn cảnh thành hoàng, có điều đáng ghi
nhớ nhất là vụ mất bộ lư thau mà thần linh mách bảo tìm lại được.
Nguyên trong đình có bộ lư thau rất lớn cao độ một thước tây, để
chưng trước điện. Năm Ất Dậu 1945, thời kỳ biến loạn, bộ lư bị đánh cắp
chẳng biết xiêu bạt về đâu.
Đến năm Tân Sửu 1961 tạm yên, nhân tu bổ lại đình thần, quí vị trong
ban trị sự tỏ ý thắc mắc về việc bộ lư thau đã mất. Ngày kia, thần linh mách
bảo cho ông Lê Văn Dương biết :
- Bộ lư ấy hiện để ở nơi chùa Ba Chúc trên núi Tượng. Hãy đến đó mà
tìm sẽ gặp.