Thiên hạ xúm nhau mua hai loại rau nầy rất nhiều, lâu ngày chầy
tháng, danh từ rau Cần rau Thơm được giới bình dân phổ biến thành câu ca
dao :
Rau Cần lại với rau Thơm,
Phải chăng đất ấy rau Thơm có nhiều.
Cũng có người lẩn thẩn gọi đại tên xứ đó là xứ Cần Thơ.
Hai giả thuyết nầy, không biết giả thuyết nào đúng ? Hoặc giả một địa
danh mà có đến hai sự kiện xảy ra trùng hợp nhau ?
Hai tiếng Cần Thơ trở thành một địa danh từ thời bấy giờ.
Qua thời Pháp thuộc đến chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam phần và lập tòa
bố tại Cần Thơ do nghị định ngày 23-2-1876 cũng vẫn giữ nguyên hai chữ
Cần Thơ. Muốn cho phân biệt từ tỉnh một, Cần Thơ được mang con số 19,
mỗi chiếc ghe ở trước mũi có khắc số, đi tới đâu người ta cũng nhận ghe số
19 của tỉnh Cần Thơ từ người lính garde civile locale của tỉnh, kêu là lính
mã tà, mỗi lần di chuyển từ tỉnh nầy qua tỉnh nọ, hoặc giải tội nhơn lên Sài
Gòn, trên cổ áo đều có gắn số 19 cũng như các tỉnh trong Nam Kỳ đều có
một sắc thái tương tợ, nhưng chỉ khác biệt là con số tỉnh, để cho người ta
phân biệt mà thôi.
Dưới chánh thể Việt Nam Cộng hòa, ngày 16-9-1958 tỉnh Cần Thơ lại
thay tên đổi họ một lần nữa, đổi tên là tỉnh Phong Dinh, để nhắc lại cái tên
cũ của thời xưa, cũng như Mỹ Tho đổi lại là Định Tường, Rạch Giá đổi lại
Kiên Giang, Bến Tre đổi lại Kiến Hòa, chánh quyền có mỹ ý rất hay : gợi
lại tinh thần tồn cổ với ý nghĩa cao đẹp của nó tự ngàn xưa, cốt làm sống lại
tinh thần dân tộc.
Đây là một ít tài liệu tra cứu để giúp ích cho quí bạn đọc tìm hiểu qua
danh từ xuất xứ của tỉnh Cần Thơ.
Ngày nay, Cần Thơ lại được mệnh danh là Tây đô văn vật.