IV. NGUYỄN VĂN TỒN
Người Việt gốc Miên trung thành cùng vua Gia Long lưu danh hiển hách
nơi Trà Ôn
Kể ra người Việt gốc Miên theo giúp chúa Nguyễn Ánh khi bôn ba trên
đường tẩu quốc cũng khá nhiều. Nhưng xuất sắc nhất, duy chỉ có Ông Điều
bát Nguyễn Văn Tồn, thinh danh hiển hách ngay khi còn sống và đến lúc đã
về thần.
Ông vốn người gốc Miên, chính tên là Duồng
. Võ nghệ khá cao
cường, oai hùng vang tiếng gần xa, người người đều kiêng nể. Gặp khi chúa
Nguyễn Ánh chạy xuống Trấn Giang (Cần Thơ), Ông theo phù tá. Nhờ
dũng lực của Ông, chúa Nguyễn thoát lắm cơn nguy hiểm, nên rất tin cẩn
Ông, hằng cho theo hầu cận. Ông hết dạ trung thành, lúc nào cũng sẵn sàng
hy sinh che chở cho chúa Nguyễn trong vòng binh đao khói lửa, liều thân
chẳng quản ngại gì.
Giáp Thìn 1784, sau hằng trăm trận giao phong đều chẳng thâu hoạch
được thắng lợi như ý nguyện, liệu thế chưa đánh đuổi Tây Sơn nổi, chúa
Nguyễn chạy sang nước Xiêm lưu trú, ẩn thân nơi Vọng Các. Bấy giờ, Ông
vẫn theo hầu chúa Nguyễn ; hàng ngày Ông lãnh nhiệm vụ thao luyện đám
binh sĩ, chiêu mộ thêm các tay hào kiệt, cương quyết chờ ngày kéo về dẹp
tan Tây Sơn, đưa chúa Nguyễn lên ngôi.
Với ý chí sắt đá, Ông rất tin tưởng ở sự thắng lợi cuối cùng.
Tinh thần phấn chấn đầy tự tin của Ông khiến chúa Nguyễn cũng chan
chứa hy vọng thống nhất non sông, cùng nhau hăm hở đem binh trở về.
Tây Sơn vẫn hùng dũng chiến đấu. Đôi bên giao tranh lắm trận ác liệt
kinh hồn. Tại cửa Ba Lai, đạo binh của Ông phá vỡ đoàn quân của Đô đốc
Tây Sơn, nâng cao tên tuổi Ông từ đấy.