vào vòng phục tùng. Đám người đã cam tâm phục vụ đắc lực cho họ, không
hề từ chối một cuộc tẩy trừ thẳng tay nào đối với sức mạnh vùng lên của
nhân dân. Để lấy lòng quan thầy, đám tay sai thân tín ấy tha hồ tác oai tác
phúc đồng bào, cốt sao dẹp yên được phiến loạn để tâng công là hơn hết.
Vị Cai Tổng Định Bảo thời ấy là Nguyễn Văn Vĩnh, nghiễm nhiên là
một hung thần đối với dân chúng trong vùng
. Ai muốn sống còn thì hãy
cứ răm rắp cúi đầu tuân theo mạng lịnh của ông. Ai tỏ vẻ trái ý một chút gì,
lập tức mang tai họa ngay. Dân chúng ngậm miệng căm hờn !
Trong tình thế đó, một thanh niên hữu chí đứng lên thay mặt dân chúng
trong vùng nói riêng, toàn dân nói chung, gióng lên tiếng trống khởi nghĩa,
nói lên tiếng nói bất khuất của dân tộc. Đinh Sâm ! Đinh Sâm ! Tên tuổi vị
thanh niên ấy được nhân dân truyền miệng nhau ca tụng hoan hô
Địa điểm phát xuất của cuộc khởi nghĩa ở vùng Ba Láng
(địa danh nầy khi xưa gọi là Láng Hầm). Vì Đinh Sâm đáp ứng đúng với
nguyện vọng của dân chúng, nên đã được ủng hộ nhiệt liệt. Thanh thế lẫy
lừng ngay trong buổi đầu xướng nghĩa.
Cai tổng Nguyễn Văn Vĩnh thấy nguy, vừa sợ vừa lo, chưa biết phải
liệu lẽ nào, thì tiếp được những lời cảnh cáo của Đinh Sâm, khuyên hãy bỏ
quan mà lui đi, sẽ được tha thứ cho tội lỗi trước, bằng kháng cự thì sẽ
không toàn tánh mạng. Cai tổng tuy sợ nhưng vẫn tham quyền cố vị, cậy có
súng nhiều và có lời hứa thưởng của quan thầy, nên lại thẳng tay đàn áp.
Nhưng phen này Cai tổng Vĩnh đã gặp phải sức đề kháng quyết liệt.
Dưới sự chỉ huy của Đinh Sâm, một toán nghĩa quân bất thình lình xuất
hiện bao vây tư thất cai tổng Vĩnh, tràn vào bắt giết đi, nổi lửa đốt nhà.
Tin cấp báo đến quan trên. Quân đội Pháp kéo vào xung kích với nghĩa
quân. Đinh Sâm đã rút lui trước, chờ dịp sẽ đương đầu. Quân Pháp và đám
tay sai của chúng ra oai « làm cỏ » một vùng đã dám chống chọi với chúng.
Khói lửa mịt trời Ba Láng, Trà Niềng.