nhau, xoay quanh hai điểm: không về thì triều đình thúc giục, giặc Pháp sẽ
đánh; về thì không biết số phận sẽ ra sao?
Cuối cùng Vĩnh Phúc quyết định: Cần phải có những người về để
chứng tỏ tuân lệnh triều đình, để quân Pháp rút khỏi đảo Bành Hồ. Về rồi
thấy không ở được thì lại trốn sang đây. Những ai không muốn về thì ở lại,
giữ làng bản và làm dân địa phương. Ông nói, giọng bùi ngùi:
- Hai mươi năm chinh chiến, binh dũng của ta trận vong, để lại cô nhi,
quả phụ hơn nghìn nhà. Quân sĩ khỏe mạnh hiện còn 3.000 người, đều đã
có vợ con mong được nuôi dưỡng. Nay về Quảng Tây, chúng ta chưa có
chỗ đứng, quân gia sẽ nhiều khó khăn thiếu thốn. Nghĩ lại những năm qua,
mưa nắng có nhau, chua ngọt cùng chia; nay cùng đi thì khó, bỏ lại không
đành. Tôi cho con tôi là Lưu Thanh Hương ở lại vùng Bảo Thắng, lo liệu
xếp đặt cuộc sống cho các cô nhi, quả phụ, nhằm an ủi những người đã
khuất.
Nghe Vĩnh Phúc nói, mọi người xúc động tán thành. Hơn chục viên
quản cơ, quản ngũ xin ở lại cùng Lưu Thanh Hương. Không ít người già
yếu hoặc vợ dại con thơ xin ở lại sống với đất này.