em, ông không để lộ nỗi lòng. Ông nói với Cai Bá: - Cụ Đề Thám, người
anh hùng chống Pháp ba chục năm ròng, danh vang cả nước. Cụ đã gieo
niềm tự trọng, tự cường vào lòng hàng triệu đồng bào, chẳng dễ một lúc mà
tiêu tan. Cụ còn hay chết đâu đó trong rừng, người ta vẫn mãi mãi nhớ cụ
mà noi gương sáng.
Đoan vẫn cùng Cai Bá bám mấy làng bản ở vùng sông Thao. Ông cố
giữ liên lạc với nhóm hội viên ở bên kia biên giới, thuộc Quảng Đông,
Quảng Tây, lan dần tới Vân Nam, về đất nhà.
Một hôm, Đoan sang gặp anh em bên đất Tàu. Họ cũng đau buồn vì
những thất bại trong nước. Họ biết hai người thân thiết nhất của Phan Bội
Châu, hai người có công đầu lập Nghĩa Hội Duy Tân, là Nguyễn Hàm và
Đặng Thái Thân. Nay kẻ bị đày, người bị chết. Nhưng còn Bội Châu, họ
còn có nơi gửi gắm niềm tin. Trong một cuộc trò chuyện thân tình, anh em
cùng Đoan nghĩ gì nói nấy. Một người tỏ ra hiểu biết kể:
- Trong đám thanh niên Đông Du chúng mình, qua rèn luyện nổi lên
mấy anh mưu dũng toàn tài: Hoàng Trọng Mậu, Lương Lập Nham, Trần
Hữu Lực... Có mưu không dũng là Đỗ Chân Thiết, Nguyễn Thần Hiến,
Đặng Đoàn Bằng... Dũng nhiều mưu ít là Đặng Tử Kính và Đặng Ngọ
Sinh... Còn Phan Bá Ngọc, Lê Dư tháo vát linh lợi, nhưng với thượng cấp
thì khôn khéo, với anh em thì không thành thật.
Người thứ hai tiếp:
- Có công dẫn lối, tìm lương cho Đông Du phải kể đến Tăng Bạt Hổ.
Khi về nước quyên tiền cho anh em ăn học, ông bị ốm nặng. Không nhà ở
phải thuê thuyền con, nằm lênh đênh trên sông Hương. Có vài ông Tú, ông
Đồ ngầm ra vào giúp đỡ. Khi chết thì đem lên nghĩa địa. Khi ấy ngài gần
năm mươi tuổi.